Không còn là "vùng cấm", HLV Park Hang-seo phải thay đổi để thích nghi!?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đúng ngày kỷ niệm 4 năm nhậm chức tại Việt Nam, HLV Park Hang-seo bị "chê" lười thay đổi, bảo thủ - điều chưa một ai dám công khai bày tỏ.

4 năm trước, HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, mang theo sự hoài nghi

4 năm trước, HLV Park Hang-seo đến Việt Nam, mang theo sự hoài nghi

Ngày 11-10-2017, ông Park Hang-seo trong bộ vest chỉnh tề xuất hiện trước truyền thông trong lễ ra mắt tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Khi ấy, những gì người ta được biết về ông Park không nhiều, nổi bật là thành tích làm trợ lý cho HLV Guus Hiddink đưa đội tuyển Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002 và giai thoại về "Ngài ngủ gật" - điển hình cho chuỗi thành tích mờ nhạt của nhà cầm quân này sau hào quang World Cup.

Trong ngày nhậm chức, ông Park nói khá nhiều, bao gồm cả những hứa hẹn về một lối chơi phù hợp thể trạng người Việt, về mục tiêu thành tích là đưa đội tuyển Việt Nam vào top 100 thế giới... Thời điểm đó, tất cả đều nhìn ông Park với con mắt hoài nghi.

Thế nhưng chỉ ba tháng sau đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã thuyết phục tất cả khi đưa U23 Việt Nam tới á quân châu Á - thành tích tốt nhất mà một đại diện Đông Nam Á đạt được tại giải.

Những ai cho rằng thành tích đó là may mắn cũng phải thay đổi suy nghĩ, khi ông Park tiếp tục đưa bóng đá Việt Nam vào tứ kết ASIAD, vô địch AFF Cup và tốp 8 Asian Cup. Cùng với chuỗi thành tích ấn tượng đó, HLV Park Hang-seo đưa dư luận từ sự hoài nghi tới bất ngờ và ngưỡng mộ.

HLV Park đưa dư luận từ hoài nghi đến bất ngờ, ngưỡng mộ với chuỗi thành tích ấn tượng

HLV Park đưa dư luận từ hoài nghi đến bất ngờ, ngưỡng mộ với chuỗi thành tích ấn tượng

Bốn năm sau, đúng vào ngày 11-10, ông Park đối diện trở lại với sự hoài nghi.

Tại buổi họp báo trước trận đấu với Oman, chiến lược gia người Hàn bị truy vấn khi báo chí dẫn lời phản biện của ông bầu Đỗ Quang Hiển (CLB Hà Nội), cho rằng ông Park "lười thay đổi, hay đúng hơn là bảo thủ" mà nguyên nhân một phần vì không có sự phản biện cần thiết.

Việc HLV bị chê bai sau một trận đấu hay giải đấu kết quả không như ý vốn dĩ rất bình thường, nhưng khi nó được một ông bầu nổi tiếng kiệm lời, hiếm khi xen vào chuyện chuyên môn như bầu Hiển, đó là điều đáng suy ngẫm.

Không bàn chuyện ông Park bảo thủ trong chuyên môn là đúng hay sai, nhưng bầu Hiển có lý khi cho rằng có quá ít phản biện cần thiết từ các bộ phận chuyên môn của liên đoàn, các trợ lý, chuyên gia... dành cho HLV Park Hang-seo.

Với những thành tích mà chưa một HLV nào từng làm được cho bóng đá Việt Nam, vấn đề chuyên môn của HLV Park Hang-seo gần như là "vùng cấm", bất khả xâm phạm. Giới chuyên môn trong nước dù có ý kiến muốn phản biện, cũng chỉ giới hạn ở câu chuyện phía hậu trường, chứ không muốn phơi bày trên mặt báo.

Nhưng đến trận thua ngược Trung Quốc - đối thủ mà 20 năm qua đội tuyển Việt Nam chưa một lần thắng, bắt đầu có những phản biện thẳng thắn.

Ngoài phát biểu của bầu Hiển trên mặt báo như đề cập ở trên, một chuyên gia đã thẳng thắn bày tỏ không đồng tình trước việc HLV Park Hang-seo rút Bùi Tiến Dũng ở phút 72, thay vào đó là hậu vệ trẻ Thanh Bình, gián tiếp dẫn tới 2 tình huống thua bàn khiến tuyển Việt Nam thua cuộc.

Thời điểm đó, Tiến Dũng có thể đá trọn trận đấu. Trên băng ghế dự bị, Thành Chung với kinh nghiệm trận mạc rõ ràng đáng được chọn lựa để theo kèm tiền đạo đang chơi ở La Liga như Wu Lei, chứ không phải một Thanh Bình non nớt.

Bản thân ông Park sau trận đấu cũng thừa nhận sai lầm ở quyết định thay đổi nhân sự này và nhận trách nhiệm về mình.

HLV Park Hang-seo có thể sẽ nhận về nhiều góp ý thẳng thắn, công khai hơn trong thời gian tới

HLV Park Hang-seo có thể sẽ nhận về nhiều góp ý thẳng thắn, công khai hơn trong thời gian tới

Cần thẳng thắn nhìn nhận, thành công của bóng đá Việt Nam 4 năm qua là hội tụ của nhiều yếu tố, từ nhân sự chất lượng do các lò đào tạo trẻ đóng góp, thời cơ, may mắn đồng hành và năng lực cầm quân của HLV Park Hang-seo, với việc phát hiện, sử dụng và nâng tầm một loạt tuyển thủ.

Nhưng sau mỗi chu kỳ, người ta đặt vấn đề về giới hạn của sự thành công.

HLV Calisto sau chiến tích vô địch AFF Cup 2008 đã liên tiếp thất bại, dù vẫn có trong tay đa số cầu thủ từng đăng quang khu vực. Và quyết định chia tay năm 2011 được cho là do đã nhận thấy giới hạn năng lực của cầu thủ Việt Nam thời điểm đó, cũng như giới hạn của bản thân.

Đội tuyển Việt Nam sau chuỗi thành công đã khiến đối thủ dè chừng hơn, nghiên cứu rất kỹ. Đó là khó khăn lớn nhất mà HLV Park Hang-seo phải đối mặt ở tuổi 64.

Không một HLV nào thành công mãi mãi. Ông Park Hang-seo, một người từng "tắm" ánh hào quang World Cup 2002 trước khi chạm đáy sự nghiệp với chuỗi thành tích bết bát cùng các CLB Hàn Quốc, thấm thía điều này hơn ai hết.

Và để kéo dài mối lương duyên, ông Park không còn cách nào khác là buộc phải làm mới mình, làm mới đội tuyển.

Khi biết bị bầu Hiển (CLB Hà Nội) chê lười thay đổi, bảo thủ, HLV Park Hang-seo đáp: "Tôi không hiểu sao ông ấy lại nói tôi bảo thủ. Tôi có những thay đổi khá tiến bộ. Tôi nghĩ đánh giá về chiến thuật của tôi không phải là việc của CLB Hà Nội. Ông ấy nói điều đó trên báo chí là không lịch sự".