Không "chi thêm" - doanh nghiệp sợ bị phân biệt đối xử

ANTĐ - Nhiều hoạt động liên quan đến thủ tục thuế, hải quan đã có những chuyển biến tích cực, song chi phí không chính thức, thái độ của cán bộ thuế, hải quan vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng. 
Không "chi thêm" -  doanh nghiệp sợ bị phân biệt đối xử ảnh 1

Phần lớn doanh nghiệp đã khai thuế điện tử

Vẫn lắm phiền hà

Tại buổi “Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan năm 2015” do Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Thuế - Hải quan tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong lĩnh vực thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là 3 nhóm thủ tục còn nhiều phiền hà. Có tới 68% hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết, các phiền hà này do thời gian giải quyết quá dài và 54%  cho biết bị cán bộ thuế yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết.

Về thái độ của cán bộ thuế, vẫn còn 26% doanh nghiệp đánh giá cán bộ chưa tận tình, chu đáo. Và có tới 55% đơn vị cho rằng nếu không “chi thêm” thì doanh nghiệp sẽ bị phân biệt đối xử. Tương tự, trong lĩnh vực hải quan, 64% doanh nghiệp cho rằng, nếu không “chịu chi”, doanh nghiệp cũng bị kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ. Ngoài những hạn chế lớn này, ngành thuế và hải quan đã có những cải cách đáng kể. Ông Đậu Anh Tuấn kết luận: “Mặc dù nhiều thủ tục hành chính thuế và hải quan đã có những chuyển biến đáng kể, song vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa”.

Bình luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, qua thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh: “Không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, nói doanh nghiệp đúng là đúng. Chính vì vậy, chúng ta cần trực tiếp làm rõ những vấn đề này”.

Trên quyết tâm, dưới hời hợt

Theo ông Nguyễn Phương Bắc - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh, tại địa phương này, ngành thuế đã có cải cách tốt hơn ngành hải quan, đặc biệt là việc thu nộp thuế điện tử. Tuy nhiên, 2 cơ quan này lại thiếu sự phối hợp, gây tốn kém thời gian của doanh nghiệp. “Ví dụ trong nhiều trường hợp, Cục thuế tỉnh có đầy đủ thông tin của doanh nghiệp nhưng phía hải quan vẫn loay hoay đi kiểm tra lại như vậy, liệu có đúng không?” - ông Nguyễn Phương Bắc nói.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong lĩnh vực thuế và hải quan, ông Nguyễn Hải Giang - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, sự quyết liệt và quyết tâm từ Trung ương rất cao nhưng dường như càng xuống địa phương thì tinh thần này lại càng giảm. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung cho hay: “Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thuế có cải thiện về thứ bậc, còn hải quan lại tụt mỗi năm một bậc”. Lý giải cho nhận định này, ông Nguyễn Đình Cung cho biết: “Chúng ta mới chỉ bàn tới lĩnh vực thông quan trong vấn đề cải cách hải quan mà trong thủ tục hải quan thì chỉ có 1/4 là thông quan, còn 3/4 là chuyên ngành do các cơ quan khác thực hiện”.

Cho rằng những cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đi đúng hướng, nhưng TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: “Mới chỉ có 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ công chức tận tình với doanh nghiệp, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ. VCCI sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết vấn đề này”.