Không cần lập biên bản xử phạt vi phạm tại chỗ khi mức phạt dưới 250.000 đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tuần trước, khi tham gia giao thông trên đường con trai tôi bị Cảnh sát giao thông (CSGT) kiểm tra, phạt 100.000 đồng vì lỗi quên không mang Giấy phép lái xe theo Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021. Tuy vậy, việc xử phạt không được lập thành biên bản. Xin luật sư cho biết, điều này có đúng quy định không và trong trường hợp này con tôi có được phép ghi âm, ghi hình lại việc mình đã nộp phạt để làm bằng chứng? Phạm Xuân Phong (Thanh Trì, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về mức phạt tối thiểu để lập biên bản. Theo đó, xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong 2 trường hợp là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức. Trong cả 2 trường hợp này, quy định được áp dụng khi người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Song, nếu vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Như vậy, dù mức phạt dưới 250.000 đồng (cá nhân) mà vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ thì vẫn phải lập biên bản. Với trường hợp phát hiện vi phạm tại chỗ mà mức phạt dưới 250.000 đồng thì không cần lập biên bản. Nhưng người có thẩm quyền vẫn phải ra quyết định xử phạt tại chỗ làm căn cứ cho người vi phạm nộp phạt.

Quyết định xử phạt tại chỗ phải đầy đủ các thông tin: Ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Còn với các trường hợp cần lập biên bản, Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 2 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, khi lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính một bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

Nếu mức phạt dưới 250.000 đồng, người vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp tại chỗ và nhận biên lai xử phạt. Nếu không đủ tiền mặt nộp tại chỗ thì cá nhân cầm biên bản xử phạt và quyết định ra về, sau đó có thể chọn một trong 3 hình thức nộp phạt sau: Nộp tiền mặt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại ngân hàng thương mại nơi Kho bạc nhà nước mở tài khoản được ghi trong quyết định xử phạt; Nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước thông qua dịch vụ bưu chính; Chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tiếp và nhận biên lai nếu mức phạt dưới 250.000 đồng

Người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tiếp và nhận biên lai nếu mức phạt dưới 250.000 đồng

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt, cơ quan xử lý sẽ gửi lại cho người vi phạm các giấy tờ đang thu giữ, biên lai thu tiền phạt qua đường bưu điện. Nếu quá thời hạn quy định, người vi phạm không nộp phạt sẽ phải chịu lãi suất trên tổng số tiền chậm nộp là 0,05%/số ngày chậm nộp.

Về việc người tham gia giao thông ghi hình CSGT, Điều 10 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định, những việc người dân giám sát công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ; Việc nhân dân giám sát CAND phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh đó, theo Điều 11 Thông tư này, hình thức giám sát của nhân dân có thể thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…

Như vậy, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ, phải thực hiện bên ngoài khu vực cho phép và phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đó là: Quay phim, chụp ảnh phải khách quan, trung thực, không được cắt ghép chỉnh sửa. Trường hợp cắt ghép nhằm đưa thông tin phiến diện, phát tán trên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của CSGT, kích động, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia chống phá chính quyền là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc quay phim, chụp ảnh phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của CSGT; chỉ thực hiện trong khu vực cho phép, không được quay phim, chụp ảnh trong khu vực đảm bảo TTATGT…

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.