Không cần bình ổn giá vàng

ANTĐ - Thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng trên thị trường thế giới diễn biến theo xu hướng giảm mạnh nhưng giá vàng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt khiến mức chênh lệch lên 4-5 triệu đồng/lượng so với thế giới . Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù chênh lệch lớn nhưng không xảy ra những cơn sốt vàng, do đó thay vì bình ổn giá vàng, NHNN sẽ bình ổn thị trường.

Việc kinh doanh vàng sẽ được quản lý chặt để tránh đầu cơ (Ảnh minh họa)

Chênh kỷ lục

Ngày 21-12, giá vàng thế giới giảm 18,7 USD/ounce so với phiên trước đó, tuy nhiên giá vàng trong nước chỉ giảm có 160.000 đồng/lượng. Tại thời điểm đó, giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD tự do, chưa tính các chi phí, tương đương khoảng 41,3 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng trong nước đứng ở mức 46,3 triệu đồng/lượng. 

So với giá vàng thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước có sự điều chỉnh chậm khi giá thế giới giảm và tăng nhanh hơn khi giá thế giới tăng. Sự khập khiễng này khiến chênh lệch kỷ lục giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được xác lập ở mức 5 triệu đồng mỗi lượng. 

Mặc dù có sự chênh lệch lớn nhưng nhiều người mua vàng không để ý tới giá quốc tế mà chỉ so sánh giá so với thời điểm giá vàng tăng cao hơn trước đó. Hơn nữa nhiều người có tiền nhàn rỗi không muốn gửi ngân hàng bởi lãi suất liên tục giảm trong thời gian vừa qua, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn vì vậy đã lựa chọn phương án mua vàng để tích trữ.

Chị Hoàng Thu Thủy (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) phân vân: “Có chút tiền nhàn rỗi nên tôi đang băn khoăn chưa biết làm gì, bởi gửi ngân hàng hiện nay lãi suất ngắn hạn tối đa chỉ có 8%, bất động sản cũng có giảm nhưng vẫn chưa phải là cơ hội tốt để đầu tư, chứng khoán từ trước tới nay tôi không dám thử vì rủi ro nhiều hơn các kênh khác. Mua vàng tôi cũng lo bởi giá vàng trong nước hiện đang cao hơn so với giá thế giới tới 4-5 triệu mỗi lượng”.

Không còn “sốt” 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN sẽ tiếp tục triển khai chủ trương của Chính phủ về lộ trình xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” và quản lý chặt để hạn chế tình trạng đầu cơ. “Sẽ không có chuyện giá vàng trong nước liên thông với giá thế giới trong điều hành giá kim loại quý năm 2013. Điều hành sẽ không đặt vấn đề giá vàng trong nước với thế giới phải sát nhau mà là bình ổn thị trường. Bình ổn ở đây là dưới góc độ kinh tế vĩ mô chứ không phải bình ổn giá vàng”, Thống đốc nêu rõ.

Theo Thống đốc, trước đây chỉ cần chênh lệch 400.000 đồng thì tỷ giá đã chao đảo mà nay vênh 5 triệu đồng nhưng tỷ giá vẫn không bị ảnh hưởng, CPI không hề tăng lên. Qua báo cáo của các cơ quan chức năng và báo chí đều thấy không có cơn sốt vàng nào gần đây cả. “Sang năm 2013 vàng sẽ chuyển toàn bộ sang quan hệ mua - bán, sau khi các ngân hàng đóng xong trạng thái huy động vàng. Nếu thấy chênh lệch 5 triệu đồng, tỷ giá ổn định, NHNN sẵn sàng xuất vàng ra bán, kinh doanh để tăng lợi ích cho đất nước. Xuất vàng ra bán để tăng thêm nguồn dự trữ quốc gia chứ không phải để bình ổn giá”, ông Bình nhấn mạnh.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, rõ ràng hiện nay mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất lớn và gần như không có khả năng thu hẹp khoảng cách này. Tuy nhiên, khi giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới, sẽ ảnh hưởng tới những người mua vàng. Vị chuyên gia này cho rằng: “Điểm then chốt là chúng ta có hay không tạo ra sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng thế giới. Việc có liên thông hay không liên thông đều tạo ra những mặt tích cực cũng như tiêu cực. Cần phải đánh giá trên tổng thể chứ không hẳn việc giá vàng trong nước cao quá so với giá vàng thế giới là điều gì tiêu cực”.