Khôn lường hậu quả vụ vỡ đập Kakhovka

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine càng thêm khốc liệt bởi vụ vỡ đập Kakhovka - con đập của một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới, dẫn tới những nguy cơ khôn lường với không chỉ cuộc sống của thường dân mà còn với an ninh lương thực toàn cầu và nguy cơ một thảm họa hạt nhân.
Vụ vỡ đập Kakhovka nguy cơ gây ra những hệ lụy khôn lường

Vụ vỡ đập Kakhovka nguy cơ gây ra những hệ lụy khôn lường

“Một hậu quả tàn khốc khác” của cuộc xung đột tại Ukraine

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngày 6-6 để thảo luận về vụ vỡ đập Kakhovka theo yêu cầu của cả hai phía Nga và Ukraine. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, đây là “một hậu quả tàn khốc khác" của cuộc xung đột quân sự tại Ukraine; là “một thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn” khiến ít nhất 16.000 người mất nhà cửa, nguồn cung cấp nước sạch và mất an toàn…

Vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, xảy ra vào rạng sáng ngày 6-6 vừa qua với nguyên nhân ban đầu được cho là do một vụ nổ xảy ra bên trong nhà máy. Vụ vỡ đập đã khiến nước lũ đổ xuống hạ lưu, làm ngập các ngôi làng và thị trấn trên diện tích khoảng 600 km2, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán, trong khi những cánh đồng, các vùng đất nông nghiệp ngập sâu trong nước lũ. Cả Nga và Ukraine đều ngay lập tức lên tiếng cáo buộc nhau đã “phá hoại” đập thủy điện Kakhovka.

Đập Kakhovka bắc qua sông Dnieper hùng vĩ ở miền Nam Ukraine là một công trình thủy điện được xây dựng từ thời Liên Xô trước đây vào năm 1956 để cung cấp điện cho miền Nam Ukraine. Đập Khakovka dài 3,2 km, cao 30 m, là một trong 6 nhà máy thủy điện dọc theo toàn bộ sông Dnieper, trải dài 980 km từ Belarus ở phía Bắc đến Vịnh Dniprovska và Biển Đen ở phía Nam. Với sức chứa hồ nước lên đến 18 km3, đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho bán đảo Crimea ở phía Nam và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở phía Bắc.

Đập và nhà máy thủy điện Kakhovka đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Nga sau vài tuần kể từ lúc Nga mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2-2022. Đập Kakhovka được cho đã bị hư hỏng một lần vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11-2022 và một lần khác vào khoảng ngày 11-11-2022 với nguyên nhân có thể do một vụ nổ gây ra.

Vụ vỡ đập Kakhovka xảy ra khoảng 6 tháng sau khi Ukraine chiếm lại một số khu vực của vùng Kherson ở bờ Tây sông Dnieper, bao gồm cả thành phố Kherson. Đáng chú ý, thảm họa này xảy ra khi Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công lớn nhằm vào các lực lượng Nga, một cuộc phản công mà Ukraine muốn có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột hiện nay.

Dù chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập Kakhovka, song có điều chắc chắn rằng đây sẽ trở thành thảm họa môi trường tồi tệ nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine gần 16 tháng trước.

Nạn nhân đầu tiên của vụ vỡ đập là thường dân. Theo dữ liệu của các cơ quan khẩn cấp, đã có khoảng 2.700 ngôi nhà tại 15 khu định cư ở tỉnh Kherson với 22.000 người sinh sống bị ngập trong nước. Chính quyền địa phương đã triển khai 40 nơi trú ẩn tạm thời có sức chứa lên đến 5.500 người. Tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố trên toàn tỉnh Kherson thay vì chỉ thành phố Nova Kakhovka như thông báo trước đó.

Đại diện nhiều cơ quan Liên hợp quốc tại Ukraine ngày 7-6 đã có mặt tại tỉnh Kherson để đánh giá tác động của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, đồng thời điều phối công tác hỗ trợ nhân đạo. Các đại diện này cho biết thảm họa vỡ đập có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn khi mực nước lũ vẫn đang tăng, nhấn chìm nhiều làng mạc và thị trấn. Điều này sẽ hạn chế người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và gia tăng các rủi ro về sức khỏe.

Các quan chức LHQ nêu rõ, mối lo ngại hàng đầu là việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt. Hàng trăm nghìn người phụ thuộc vào hồ chứa nước của đập thủy điện để lấy nước sinh hoạt trong khi mực nước đang giảm nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt cũng có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, gia tăng rủi ro sức khỏe…

Nguy cơ “kép” với an ninh lương thực và hạt nhân

Không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng với người dân, thảm họa vỡ đập Kakhovka còn gây ra nhiều nguy cơ khôn lường khác, đặc biệt là nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu và nguy cơ thảm họa hạt nhân. Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết, hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp có nguy cơ bị ngập lụt sau khi đập Kakhovka bị vỡ, trong khi ít nhất 500.000 ha đất không được tưới tiêu và những cánh đồng ở miền Nam có thể bị biến thành sa mạc vào năm sau.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp Ukraine, thảm họa vỡ đập sẽ khiến nguồn cung nước cho 31 hệ thống thủy lợi ở Kherson, Dnieper và Zaporizhzhia bị cắt. Hồi năm 2021, các hệ thống thủy lợi này đã cung cấp nước tưới tiêu cho 584.000 ha đất canh tác, là nguồn thu hoạch khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc và hạt có dầu.

Đập Kakhovka bị vỡ gây ra những thiệt hại lớn hơn đối với môi trường và nông nghiệp tại Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, làm trầm trọng thêm chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu sau khi các cảng biển của Ukraine bị phong tỏa vào năm ngoái. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi giá lúa mì thế giới trong ngày 6-6 đã tăng hơn 3% ngay sau khi có thông tin về vụ vỡ đập. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 7-6 cho rằng, vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka là một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất ở châu Âu trong những thập niên gần đây và có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Vụ vỡ đập Kakhovka còn đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm cách đập khoảng 150 km. Hồ chứa nước của đập thủy điện Kakhovka cũng là nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Đập Kakhovka bị vỡ khiến mực nước của hồ chứa giảm khoảng 5 cm mỗi giờ. Vào rạng sáng 6-6, khi xảy ra vụ vỡ đập, mực nước trong hồ chứa vào khoảng 16,4 m. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo, nếu lượng nước này giảm xuống dưới 12,7 m, hồ chứa này không thể đủ nước để bơm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời lo ngại điều này có thể xảy ra trong vài ngày tới.

Các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân này đã ngừng hoạt động, nhưng vẫn cần nước làm mát để đảm bảo không xảy ra thảm họa hạt nhân. Ông Rafael Grossi cảnh báo việc thiếu nước làm mát trong các hệ thống nước làm mát thiết yếu trong một thời gian dài sẽ khiến nhiên liệu tan chảy và làm gián đoạn hoạt động của các máy phát điện diesel khẩn cấp.

Theo Tổng giám đốc IAEA, các nhân viên nhà máy Zaporizhzhia đang dồn lực để bơm nước vào các kênh nước làm mát và các hệ thống liên quan, trong khi tạm dừng cấp nước cho những hoạt động không thiết yếu của nhà máy. Bên cạnh đó, IAEA cũng đang xác định liệu một hồ nước lớn làm mát gần khu vực trên có thể cung cấp nước làm mát trong vài tháng tới hay không. Ông Rafael Grossi nhấn mạnh, hồ nước làm mát này cần được bảo toàn, đồng thời kêu gọi các bên đảm bảo hồ nước còn nguyên vẹn. Tổng giám đốc IAEA cho biết, cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Một hệ lụy khác là lũ lụt do vỡ đập có nguy cơ gây ra tác hại lâu dài và không thể đảo ngược đối với các hệ sinh thái trong khu vực. Động vật ở vườn thú Nova Kakhovka đã chết do nước dâng cao và đây mới chỉ là tác hại ban đầu đối với động vật hoang dã ở miền Nam Ukraine. Đã có những cảnh báo về nguy cơ xảy ra sự hủy diệt sinh thái không chỉ ở Ukraine, mà ở quy mô khu vực, vụ vỡ đập sẽ cuốn trôi các hóa chất công nghiệp và ngấm vào đất cũng như nguồn nước ngầm, gây tổn hại lâu dài đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học.