Khôi phục niềm tin cho doanh nghiệp

ANTĐ - Trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), ngày 3-12, diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tổ chức với chủ đề “Khôi phục sự năng động của nền kinh tế” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực, phòng thương mại châu Âu tại Hà Nội... đã gửi kiến nghị tới Chính phủ nhằm giải quyết tình trạng khó khăn hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Niềm tin bị lung lay

Sự “mệt mỏi” của các doanh nghiệp trong nước trước bối cảnh kinh tế khó khăn được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc chứng minh bằng các con số đáng suy nghĩ. Theo kết quả điều tra 8.200 doanh nghiệp dân doanh và hơn 1.500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do VCCI thực hiện thì mức độ lạc quan của doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay. Tỷ lệ này các năm trước 2011 luôn trên 70%, tụt xuống 47% năm 2011 và còn 33% trong năm nay. Chi phí liên quan đến kinh doanh, quản lý, mức độ rủi ro tăng cao trong khi cơ hội kinh doanh giảm sút khiến sức chống đỡ của doanh nghiệp ngày càng yếu ớt. Tính chung 2 năm 2011 và 2012, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường qua các hình thức giải thể, phá sản, ngừng hoạt động... bằng 50% tổng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường của 20 năm qua.

Trả lời cho câu hỏi “thực sự hiện nay doanh nghiệp đang gặp khó khăn gì nhất và cần điều gì nhất?”, đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết: “Cần lấy lại niềm tin”. Doanh nghiệp đang cần một niềm tin và niềm tin chỉ có thể đến từ sự minh bạch, nhất quán của chính sách, từ đó doanh nghiệp sẽ có định hướng rõ ràng và bền vững. Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần sự bền vững hơn bao giờ hết bởi sức chịu đựng có hạn của các doanh nghiệp loại hình này. 

Cần có hành động cụ thể

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang có sự phục hồi, kết quả hoạt động sản xuất công nghiệp được cải thiện, tháng sau cao hơn tháng trước. Chính phủ ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp và sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, đẩy nhanh tốc độ cải cách doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng... 

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, năm 2012 đã có khoảng 20 cuộc gặp gỡ, tham vấn giữa các cơ quan chức năng với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó mà một số chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế như: tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất khẩu, an sinh xã hội được duy trì ở mức hợp lý. 

Đại diện Nhóm công tác thị trường vốn - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: “Hết đêm trời lại sáng, hỗn mang cũng đồng nghĩa với cơ hội”. Và để có tương lai tốt đẹp thì cần có sự thay đổi. Vị đại diện này nhất mạnh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bởi đây là xương sống của chính sách kinh tế hợp lý. Để đẩy nhanh tiến độ quá trình này, cần có một lộ trình mới với tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu chi tiết. Hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là viễn thông và ngân hàng (2 ngân hàng đã được cổ phần hóa nhưng chưa thành công do định giá không hợp lý).

Yếu tố chính để chào bán thành công là định giá bằng cách thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng định giá, phát hành theo các chuẩn mực toàn cầu của ngành, cũng như xây dựng bản cáo bạch đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư toàn cầu. “Quá trình này không thể chỉ dừng lại ở mức thảo luận mà đã đến lúc phải có hành động cụ thể. Hơn nữa, doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, thay vì dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, vì như vậy sẽ chỉ dẫn đến hoạt động không hiệu quả và đối mặt với rủi ro thua lỗ nặng nề” - đại diện nhóm công tác thị trường vốn nhấn mạnh.

Năm 2013: Có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, ngày 3-12. Theo đó, để khuyến khích đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ sẽ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống dưới 25% trong năm 2013. Việc giảm thuế này nằm trong lộ trình cải cách thuế của Việt Nam từ nay đến năm 2020. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng rà soát, gỡ bỏ một số loại thuế, phí khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng nhiều đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước đã kiến nghị Chính phủ hạn chế một số loại thuế, phí cho doanh nghiệp, trong đó có đề nghị giảm ngay thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% hiện nay xuống còn 20%. Mức thuế này của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực.