Khơi lại giá trị gia đình

ANTĐ - Khủng hoảng kinh tế ở Italy càng trầm trọng thì những giá trị gia đình ở nước này lại càng thể hiện rõ, khiến giới trẻ phải suy nghĩ về những điều mà họ từng cho là đã đi vào quá khứ.

Sự gắn kết đang giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn của khủng hoảng kinh tế

Một điều tra mới công bố của Hiệp hội nông nghiệp Italy (Coldiretti) và Viện thăm dò xã hội Ixe cho thấy, 37% người Italy không đủ tiền tiêu buộc phải xin hoặc vay mượn tiền từ cha mẹ mình, những người đã tích cóp cả đời và giờ phải giúp con cái không chỉ cái ăn, cái mặc mà có khi cả chỗ ở. Một nghiên cứu khác cho biết, nhiều gia đình trẻ Italy quay lại nhờ ông bà trông con để không phải chi phí cho người trông trẻ. Theo ước tính, số tiền tiết kiệm nhờ sự trợ giúp này của ông bà lên đến 5 tỷ euro.

Một thực tế không thể phủ nhận với cả nhân loại là gia đình luôn được coi như trái tim của toàn xã hội và là cái nôi cho các thế hệ mai sau, bất cứ điều gì xảy ra trong gia đình luôn tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự gấp gáp của cuộc sống hiện đại… đang làm nhiều giá trị gia đình bị xói mòn. Nhiều người trong lớp trẻ sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Họ không còn coi trọng gia đình, không thích sống trong một gia đình có nhiều thế hệ, bữa cơm gia đình đã không còn được chú trọng. 

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, báo chí, Internet… cũng đặt giá trị gia đình trước những thử thách. Con người ngày càng trở nên gắn bó với các tiện ích, đến nỗi họ chỉ xa rời các thiết bị di động khi chìm vào giấc ngủ. Việc chồng về đến nhà là “cắm mặt” vào TV, con cái ngoài giờ học là “dính chặt” vào iPad, ngày nghỉ cả gia đình “lao vào” check mail, lướt web đã trở thành câu chuyện bình thường với các gia đình hiện đại. 

Khủng hoảng và suy thoái kinh tế đã làm cuộc sống nhiều gia đình đảo lộn. Chẳng hạn ở Italy, tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến 12,5%, cao chưa từng có trong gần 4 thập niên qua. Hệ quả là 10% số gia đình ở nước này không thể trang trải các chi phí hàng tháng, 45% gia đình chỉ có thể chi tiêu ở mức dè xẻn mà không mua sắm các thứ đồ đắt tiền hoặc đi nghỉ mát, 49% số người Italy từ bỏ những thói quen truyền thống như đi xem bóng đá hay đi ăn tiệm và 68% số người được hỏi cho biết họ không dám mua các đồ hiệu đắt tiền. Thậm chí sẽ có 4,1 triệu người Italy sẽ không thể có được bữa ăn trong đêm Giáng sinh 2013 này nếu như không nhận được bất cứ một sự trợ giúp nào từ các tổ chức phúc lợi xã hội hoặc gia đình.

Trong khó khăn, người ta mới tỉnh ngộ ra nhiều điều về những giá trị trong mỗi gia đình, mới càng thấy gia đình như một điểm tựa vô cùng quan trọng để nhiều người, nhất là lớp trẻ, vượt qua khó khăn. Một khi các giá trị cốt lõi được thiết lập trong gia đình, thì các giá trị này sẽ chỉ đường cho tất cả các thành viên cùng đi về một hướng, gắn kết lại với nhau. Chẳng hạn khi mọi người đều cảm nhận “yêu thương” là giá trị quan trọng, thì chính giá trị này sẽ hướng dẫn họ cách sống để có tình yêu thương với bản thân, với người khác và với gia đình.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1994, Đại hội đồng LHQ đã phát động Năm quốc tế gia đình với chủ đề “Gia đình là nguồn lực và trách nhiệm cho một thế giới thay đổi”. Và thực tế thay đổi hiện nay càng làm cho giá trị gia đình hiện rõ hơn.