Khoảng trống quyền lực

(ANTĐ) - Đất nước nhiều bất ổn Lebanon lại chìm vào khủng hoảng sau khi Quốc hội nước này không thể bầu được Tổng thống mới thay thế ông Emile Lahoud đã mãn nhiệm.

Khoảng trống quyền lực

(ANTĐ) - Đất nước nhiều bất ổn Lebanon lại chìm vào khủng hoảng sau khi Quốc hội nước này không thể bầu được Tổng thống mới thay thế ông Emile Lahoud đã mãn nhiệm.

Tổng thống Lahoud đã rời dinh Tổng thống vào nửa đêm 23-11 khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, để lại chiếc ghế quyền lực chưa có người tiếp quản.

Quốc hội Lebanon đã phải hoãn bỏ phiếu bầu Tổng thống mới tới 5 lần bởi các phe phái không thể nhất trí với nhau về ứng cử viên đề cử vào vị trí quyền lực này.

Hiến pháp Lebanon quy định, ứng cử viên Tổng thống phải được ít nhất 2/3 số đại biểu Quốc hội ủng hộ.

Tuy nhiên, dù chiếm đa số trong Quốc hội nhưng phe thân phương Tây của đương kim Thủ tướng Fuad Siniora không thể hội đủ số phiếu cần thiết để chống lại sự phủ quyết của phe đối lập được Syria và Iran hậu thuẫn.

Cũng theo Hiến pháp Lebanon, trong trường hợp Tổng thống mãn nhiệm mà chưa có người thay thế, quyền lực tổng thống sẽ được giao cho chính phủ.

Ông Lahoud rời dinh Tổng thống để lại khoảng trống quyền lực
Ông Lahoud rời dinh Tổng thống để lại khoảng trống quyền lực

Thế nhưng, phát biểu khi từ chức ông Lahoud lại cho rằng chính phủ được phương Tây ủng hộ của Thủ tướng Siniora là “bất hợp pháp và trái hiến pháp”.

Bởi thế trước khi rời dinh Tổng thống, ông Lahoud đã tuyên bố trao quyền lực của Tổng thống cho quân đội với lý do “đất nước đang trong tình trạng khẩn cấp”.

Chính phủ của Thủ tướng Siniora đã bác bỏ quyết định của Tổng thống Lahoud trao quyền kiểm soát an ninh cho quân đội, coi đó là một quyết định vi hiến. Thủ tướng Siniora ngày 24-11 đã tự đứng ra tuyên bố nội các của ông đảm đương tất cả các quyền lực của một tổng thống.

Phe đối lập Lebanon mà đứng đầu là Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hezbollah nhất quyết không chịu công nhận quyền điều hành của Chính phủ do ông Siniora đứng đầu.

Theo phe đối lập, đó là chính quyền thiếu tính hợp pháp bởi không được Tổng thống mãn nhiệm trao quyền lực.

Với thế bế tắc hiện nay, Quốc hội Lebanon khó có thể bầu được người kế nhiệm ông Lahoud khi nhóm họp lại vào ngày 30-11 tới. Nói cách khác khoảng trống quyền lực kéo dài có nguy cơ đẩy Lebanon lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị khó lường.

Hiện quân đội Lebanon chưa chính thức tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước theo sự ủy quyền của Tổng thống mãn nhiệm Lahoud hay chấp nhận sự điều hành của Chính phủ do Thủ tướng Siniora đứng đầu.

Song với tuyên bố đề phòng xung đột giữa các phe phái chính trị, quân đội đã cho triển khai xe tăng và binh lính ở tất cả nút giao thông quan trọng và khu vực trung tâm Thủ đô Beirut, nơi có trụ sở Quốc hội.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu các phe phái ở Lebanon không sớm nhất trí được về vị nguyên thủ quốc gia mới, tình trạng bất ổn chính trị kéo dài suốt một năm qua tại quốc gia này có thể dẫn đến hậu quả là hình thành hai chính quyền đối địch nhau.

Tình thế này khiến người ta nhớ về quá khứ đau thương khi hai chính phủ ở Lebanon cùng lao vào cuộc chiến “nồi da nấu thịt” đẫm máu và nước mắt thời kỳ 1975-1990. Hiện phe đối lập đã đe dọa thành lập một chính phủ song song với Chính phủ của ông Shiniora.                   

Hoàng Hà