Khoảng 100 doanh nghiệp chậm, hoãn thanh toán trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều doanh nghiệp lớn tiếp tục công bố chậm thanh toán trái phiếu, hoặc gia hạn kỳ hạn trái phiếu do chưa thu xếp được dòng tiền.

Theo ghi nhận của phóng viên dựa trên dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, loạt doanh nghiệp bất động sản lớn liên tục công bố thông tin về việc chậm thanh toán, hoặc kéo dài kỳ hạn thanh toán trái phiếu.

Trong đó, phải kể đến nhiều cái tên như: Tập đoàn Hưng Thịnh, Trung Nam Group, Đất Xanh Miền Nam, Novaland...

Chẳng hạn như trong ngày hôm nay, 28/11, Hưng Thịnh Land đã có 2 bản công bố thông tin bất thường về nghị quyết người sở hữu trái phiếu, theo đó điều chỉnh kỳ hạn đối với 2 mã trái phiếu. Theo đó, mã trái phiếu HTL-H2023-005 của doanh nghiệp này được điều chỉnh từ kỳ hạn 3 năm lên 51 tháng kể từ ngày phát hành. Ngày đáo hạn theo đó sẽ được lùi từ ngày 28/8/2023 đến ngày 28/11/2024.

Với mã trái phiếu HTLAND.2020.TV01, kỳ hạn 43 tháng, đáo hạn vào ngày 20/10/2023 cũng được điều chỉnh kỳ hạn thành 1.714 ngày, tương ứng ngày đáo hạn là 28/11/2024.

Nhiều doanh nghiệp phải lùi thời hạn thanh toán trái phiếu

Nhiều doanh nghiệp phải lùi thời hạn thanh toán trái phiếu

Hay Hưng Thịnh Investment mới đây cũng công bố thông tin về việc chậm thanh toán gốc, lãi lô trái phiếu H39CH2123002 trị giá 800 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết đang lên kế hoạch lấy ý kiến trái chủ về việc gia hạn thời gian thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Đất Xanh Miền Nam cũng công bố chậm thanh toán số tiền lãi của 10 mã trái phiếu, do công ty chưa sắp xếp được dòng tiền.

Trước đó, Novaland, Trung Nam Group và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái cũng phải công bố hàng chục thông tin về việc chậm chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu kể từ đầu năm.

Theo một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tính đến ngày 21/11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường.

Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất - khoảng 70% giá trị chậm trả.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23.11.2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.

Chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.

Đồng thời, theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ.

Yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan.

Có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững…