Khi nào kết thúc gói kích thích kinh tế?

(ANTĐ) - Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng đã phát huy tác dụng. Kinh tế Việt Nam được xác định là vượt qua đáy khủng hoảng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cần xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu để tránh những mặt trái của giải pháp này.

Khi nào kết thúc gói kích thích kinh tế?

(ANTĐ) - Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng đã phát huy tác dụng. Kinh tế Việt Nam được xác định là vượt qua đáy khủng hoảng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc, Việt Nam cần xác định thời điểm kết thúc gói kích cầu để tránh những mặt trái của giải pháp này.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích: “Lãi suất huy động vốn của các ngân hàng bắt đầu tăng trở lại chứng tỏ vốn đang trở nên khan hiếm, tạo nên những rủi ro tiềm tàng. Nếu cứ tiếp tục hỗ trợ lãi suất sẽ gây ra sự méo mó”. Theo ông Thành, khi năng lực cung ứng vốn hạn chế thì  rủi ro trong cấu trúc huy động vốn bị ảnh hưởng, bởi người gửi tiền có thể đồng loạt rút tiền trong ngân hàng để gửi đợt mới nhằm hưởng lãi suất cao hơn.

Bà Cao Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, 6 tháng đầu năm nay, MB đã tung ra lượng tiền khá lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp. Nợ quá hạn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, cuối năm nay, tốc độ giải ngân của các ngân hàng sẽ chững lại.

Gói kích cầu của Chính phủ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng
Gói kích cầu của Chính phủ giúp nhiều doanh nghiệp
vượt qua khủng hoảng

Theo ông Nick Freeman - Chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu á (ADB), các gói kích thích kinh tế thường được xây dựng và thực hiện vội vã nên không tránh khỏi rủi ro. Khi thực hiện kích cầu, chi phí bỏ ra rất lớn, luồng tiền lớn đổ vào thị trường đặt ra những bài toán mới cần giải quyết.

Do vậy, các chính sách kích cầu của Chính phủ không nên kéo dài. Nick Freeman nhận định: “Độ co giãn cầu cho thấy, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ quý II năm nay. Tuy nhiên, đồ thị phục hồi kinh tế không theo hình chữ V nên phải mất nhiều thời gian nữa, Việt Nam mới lấy lại đà tăng trưởng. Nếu vì nguyên nhân này mà kéo dài kích cầu thì chi phí Nhà nước bỏ ra càng nhiều.

Mà có chi phí thì phải có người thanh toán. Người thanh toán lại chính là người nộp thuế, không ai khác nhiều nhất là các doanh nghiệp”. Gánh nặng về thuế sẽ áp lên vai khi gói kích cầu của Chính phủ kéo dài. Tuy nhiên, việc kết thúc gói kích cầu quá sớm có thể khiến suy thoái quay trở lại, giống như tình hình kinh tế cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Còn nếu kết thúc gói kích cầu quá muộn thì nền kinh tế có thể trở nên quá nóng và nguy cơ lạm phát cao lại đến gần, giống như cuối năm 2007 và đầu  năm 2008. Gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp kéo dài sẽ khiến các ngân hàng không thể gánh nổi. Nhưng ông Nick Freeman cũng cho rằng, việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nên được tiếp tục, bởi việc làm này sẽ tạo cho doanh nghiệp chỗ đứng về tài chính để tự vươn lên bằng khả năng của mình.

Ông Nguyễn Đức Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Vật tư công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: “Gói kích cầu của Chính phủ đã có tác dụng với doanh nghiệp, nhưng mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn, mà chưa tới được các doanh nghiệp nhỏ”.

Những doanh nghiệp nhỏ vay được vốn thì số tiền được hỗ trợ cũng không đủ để cải thiện tình hình. Mức lãi suất ưu đãi 4%/năm mà Nhà nước hỗ trợ trong thời hạn 8 tháng, thực chất mức hỗ trợ chỉ là 2,66% lãi vay thực trả. Một đại diện doanh nghiệp khác trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết: “Tài sản thế chấp mà các ngân hàng dễ chấp nhận hơn khi làm thủ tục cho vay vốn là bất động sản: nhà xưởng, mặt bằng...

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mang máy móc, thiết bị... trị giá hàng tỷ đồng thế chấp cũng không được chấp thuận. Đây là điều kiện khó khăn với doanh nghiệp”. Vị đại diện này cũng thẳng thắn bày tỏ sẽ chuyển sang kinh doanh bất động sản để được hưởng hỗ trợ lãi suất, thay vì tình trạng khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, ông băn khoăn về việc chuyển mục đích kinh doanh, gần 200 công nhân trong công ty của ông sẽ mất việc.

Ông Nick Freeman cho rằng: “Thời điểm Việt Nam kết thúc gói kích thích kinh tế nhiều khả năng sẽ trùng với quá trình chuẩn bị cho chiến lược kinh tế, xã hội giai đoạn tiếp theo (2011-2020). Và khi ấy, Việt Nam nên xác định lại, sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở vị trí số 1 hay ưu tiên hàng đầu là việc tạo ra thu nhập đồng đều?”.                

Thanh Hoàn