Mai một làng Hoa Tây Tựu (2)

Khi hoa nội không còn “đất”

ANTĐ - “Tháng 2-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm làng hoa Tây Tựu đã hỏi lãnh đạo địa phương và Sở nông nghiệp rằng, một làng hoa truyền thống như Tây Tựu tại sao không thể chủ động sản xuất được giống mà phải lệ thuộc vào giống Trung Quốc? Điều này khiến chúng tôi rất day dứt…”, Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, ông Lê Văn Việt bày tỏ.

Người dân vẫn mong muốn được gắn bó với loại hoa truyền thống

Không thể chủ động về giống

Theo bà Trần Hoài Hương, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thì hoa lily, hoa loa kèn là những loại hoa nhân giống bằng củ theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Phương pháp này hiện nay mới chỉ được tiến hành tại những phòng thí nghiệm nhỏ ở Việt Nam chứ chưa được ứng dụng rộng rãi. Chi phí đầu tư lớn, điều kiện kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng quy trình sản xuất hàng loạt, nhiều năm qua, những loại hoa đắt tiền như lily, loa kèn đều phải sử dụng giống ngoại nhập, chủ yếu Trung Quốc và Hà Lan. Không riêng gì Tây Tựu, các ruộng trồng hoa lớn trong cả nước như Đà Lạt, Sa Đéc… cũng vẫn phải phụ thuộc vào giống hoa nhập khẩu. Tuy nhiên theo bà Hương, giống hoa Trung Quốc thường vào Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch, ngắn và đơn giản hơn nhiều so với nhập từ Hà Lan. Bởi vậy, giống hoa lily Trung Quốc gần như độc quyền ở Việt Nam, cho dù phẩm chất không có gì quá nổi trội. Người dân phải chấp nhận mức giá trung bình 18.000 đồng/củ, ước tính đắt hơn gấp 2 lần so với tự sản xuất.

Đối với đặc trưng khí hậu của đồng bằng sông Hồng, hoa lily được trồng chủ yếu ở 2 vụ chính là vụ Thu Đông (tháng 9,10) để thu hoạch trong dịp Tết và vụ Đông Xuân (từ tháng 10 đến tháng 12) để thu hoạch ngay trong dịp 8-3. Nắm được nhu cầu của thị trường Việt Nam, cứ vào dịp cuối năm, thương lái Trung Quốc tìm về Tây Tựu để chào mời các loại giống, chủ yếu vẫn là hoa lily và loa kèn. So với hoa lily, củ hoa loa kèn có thể giữ được từ năm này sang năm sau nên số lượng giống nhập ở mức hạn chế hơn, tuy nhiên cũng chưa thể tự sản xuất. Theo ông Lê Văn Việt, việc giao dịch đã được tiến hành nhiều năm nay, các giống hoa này vẫn đang được tín nhiệm, được gieo trồng với diện tích lớn trên các ruộng hoa ở Tây Tựu, bất chấp việc nhiều hộ gia đình đã mất trắng gia sản chỉ sau một vụ hoa thất bại.

Trong khi một bộ phận những người giàu lên nhanh chóng nhờ đầu tư vào những loại hoa “hạng sang” thì không ít người dân ở Tây Tựu lâm vào tình trạng khốn khó vì sự xâm lấn của hoa ngoại. Cùng trên mảnh đất của một trong những đầu mối hoa lớn nhất miền Bắc, trong khi có những chủ đầu tư thu lãi khổng lồ với hoa lily, loa kèn thì người nông dân xã Tây Tựu vẫn chỉ trông chờ vào những luống hoa rẻ tiền, chẳng đáng bao nhiêu so với công sức bỏ ra. Vò võ nửa năm vun trồng, chăm bẵm nhưng chỉ một trận mưa lụt hoặc sâu bệnh là mất. Không muốn dùng giống hoa Trung Quốc, không ít người phải bỏ nghề để quay về… trồng rau với lý do “còn tiêu thụ được”.

Tưởng chừng như chỉ có lily, loa kèn có xuất xứ Trung Quốc, nhiều chợ hoa lớn ở Hà Nội như Quảng Bá, Bưởi… cũng đã xuất hiện các loại hoa hồng, cúc, lan… không có nguồn gốc rõ ràng, được bán với giá rẻ còn chủng loại, màu sắc thì không kém gì hoa nội. Không có đặc điểm nhận dạng cụ thể như các loại nông sản khác, việc phân biệt đâu là hoa trong nước, hoa nhập đối với người mua hoa gần như là không thể. Theo chị Đặng Thị Thúy (phố Đội Nhân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm chọn hoa loa kèn, thấy nụ hoa to bất thường, không thơm và màu sắc nhạt hơn so với loại hoa thường mua nên nghi ngờ là hoa Trung Quốc. Nhưng đối với những loài hoa khác, chị thừa nhận nếu nhìn bằng mắt thường không thể biết được hoa thật, hoa đội lốt. 

Khi hoa nội không còn “đất”  ảnh 2
Hoa lily tại Việt Nam phải nhập giống từ Trung Quốc 

Giữ lấy bản sắc làng hoa

Khi người trồng hoa nóng lòng gây dựng cơ nghiệp từ hoa nhập khẩu thì từ chỗ có vị thế vững chắc tại thị trường trong nước, hoa bỗng trở thành một thứ nông sản ngoại lai. Nhìn những luống hoa hồng, hoa cúc khiêm tốn bên cạnh những ruộng hoa loa kèn, hoa lily được dựng nhà che chắn cẩn thận đang dần vươn lên tại Tây Tựu, dường như bản sắc hoa thuần Việt đang trở nên phai nhạt trên chính mảnh đất quê nhà. Quay lưng với sản phẩm nội, mải mê chạy theo những vụ mùa hoa đắt đỏ, chẳng mấy chốc những loài hoa thuần Việt từ lâu đã gắn bó với đời sống sinh hoạt, những dịp lễ Tết của người dân như hoa hồng, hoa cúc… sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường. Đến hoa loa kèn vốn được coi là một nét đặc trưng của Hà Nội nay giờ cũng phải ngậm ngùi nhường đất cho giống hoa “láng giềng”. Không thể phủ nhận khi với giá trị kinh tế vượt trội và sức mua lớn của thị trường, đầu tư vào hoa lily, hoa loa kèn từ Trung Quốc vẫn đang lựa chọn ưu tiên của những người dân trồng hoa ở xã Tây Tựu. Phải chăng, vai trò của các Trung tâm khuyến nông, các Trung tâm nghiên cứu về giống trong việc chuyển giao công nghệ, triển khai ứng dụng mô hình sản xuất đến với bà con nông dân cần được đẩy mạnh, để người dân có thể yên tâm sản xuất và gắn bó với loại hoa do chính tay mình làm ra.