Khi giá đất “sốt”, sao không ai kêu cứu?

ANTĐ - Hôm qua, 31-3, TS. Alan Phan đã trả lời Hiệp hội Bất động sản Hà Nội bằng thư ngỏ, với mong muốn “dừng cuộc tranh cãi lại ở đây”. Ông bày tỏ hy vọng, các doanh nghiệp sẽ quên đi quyền lợi cá nhân của mình và gia đình… để san sẻ lại cho những người dân kém may mắn hơn. 

Người dân chỉ được lợi khi thị trường bất động sản minh bạch, cạnh tranh công bằng

Ảnh: PHÚ KHÁNH

Để bất động sản rơi tự do 

Câu chuyện “trao đi, đổi lại” giữa TS. Alan Phan (nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA (quỹ riêng của gia đình) và chuyên gia tư vấn về các thị trường đang nổi), với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Hà Nội bắt đầu từ một bài viết của TS Alan Phan được đăng trên trang blog cá nhân của ông.

Trong bài viết được cho là gây sốc cho nhiều doanh nghiệp BĐS đang ngắc ngoải từ gần 2 năm nay và đang từng ngày chờ đợi được Chính phủ cứu, TS. Alan Phan nói thẳng: “Hãy để cho BĐS rơi tự do”. Ông nêu ý kiến: “Chính phủ rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một vài đối tượng. Thị trường BĐS Việt Nam chỉ cầm máu một chút và vết thương sẽ không khỏi. Phương thức can thiệp này không hữu hiệu mà chỉ lợi cho một nhóm người.”

Khuyến nghị bỏ mặc BĐS tự xoay xở, TS. Alan Phan cho rằng, “giá nhà giảm thêm 30-50% để bắt kịp thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà”. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Trong trường hợp đó, ông dự báo, “nợ xấu ngân hàng sẽ tăng, ngân hàng có thể chết”. Nhưng ông cũng tự tin cho rằng, “không sao cả vì số lượng ngân hàng hiện nay dư thừa chứ không thiếu. Nếu một nửa nhà băng chết, một nửa sống thì cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm cho người dân sẽ không mất tiền. Ngân hàng chết, chứng khoán sẽ tụt nhưng sau đó niềm tin sẽ lấy lại và đi tới một chu kỳ kinh tế mới”.

Ai là người mất tiền?

Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Lê Thị Lan Anh cho biết, các hội viên của CLB BĐS Hà Nội có nhiều điểm không đồng tình với TS. Alan Phan. Nhiều người muốn được chất vấn ông để làm rõ vấn đề. Bà Lê Thị Lan Anh đã thông qua thư ngỏ gửi tới TS. Alan Phan 15 câu hỏi lớn được tổng hợp từ các hội viên. Đơn cử, như câu hỏi: “TS cho rằng, doanh nghiệp BĐS chết, ngân hàng chết, chứng khoán tụt giảm… cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm cho người dân sẽ không mất tiền. Vậy, xin ông cho biết giải pháp mà Chính phủ cần phải làm để bảo đảm người dân sẽ không mất tiền nếu tình trạng nêu trên xảy ra?”.

Ở một loạt câu hỏi khác, CLB BĐS Hà Nội chất vấn: “Hầu hết các dự án nhà ở thương mại, người dân đã đóng một phần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, nếu phá sản, chủ đầu tư không tiếp tục xây và không thể giao nhà cho họ, cũng không có khả năng hoàn trả tiền. Vậy ai sẽ là người mất tiền? Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS thường chỉ có từ một đến vài chục phần trăm vốn tự có, phần còn lại là vay ngân hàng. Vậy nếu các doanh nghiệp BĐS phá sản, kéo theo hệ thống ngân hàng có thể sẽ sụp đổ, lúc đó thực chất ai sẽ là người mất tiền?”.

Phải chấp nhận quy luật thị trường

Hôm qua, 31-3, TS. Alan Phan đã chính thức trả lời Hiệp hội BĐS Hà Nội bằng một bức thư khá dài. Không đi vào trả lời 15 câu hỏi, ông tiếp tục đưa ra những nhận định chung về thị trường BĐS hiện nay. Ông khẳng định, khủng hoảng BĐS hiện nay là một tính toán sai lầm của nhà kinh doanh BĐS về giá cả và loại hàng. Nhấn mạnh yêu cầu “hiểu rõ luật chơi của thị trường và cúi đầu chấp nhận”, TS. Alan Phan châm biếm: “Vào nửa hiệp sau của trận bóng, các cầu thủ lại yêu cầu trọng tài áp dụng một luật chơi mới. Tính bất nhất này làm mọi biện luận trở nên ngây ngô cùng ngạo mạn”. Ông hỏi ngược lại DN BĐS: “Khi giá nhà đất lên cao cả mấy trăm phần trăm mỗi năm vào thập kỷ 1995-2006, sao không ai kiến nghị Chính phủ phải can thiệp để cứu người tiêu dùng?”.

Phân tích về các hệ lụy khi bong bóng BĐS nổ nhưng ông cũng chỉ rõ hệ quả tích cực. “Đó là số lượng vài trăm nghìn gia đình lần đầu sở hữu một căn nhà vừa túi tiền, hiện tượng tâm lý an cư lạc nghiệp tạo cú kích cầu tiêu dùng, gây lại niềm tin cho kinh tế, loại bỏ các thành phần phi sản xuất yếu kém, tăng thu ngân sách và thu hút đầu tư nội ngoại...”. Ông cũng cảnh báo: “Khi giải cứu, mọi sai phạm, nhầm lẫn sẽ được che đậy, bảo vệ và các quy luật của thị trường có quyền đi “nghỉ mát” khi quyền lợi của các nhóm lợi ích bị xâm phạm”.