Khi các chỉ số chất lượng trong sữa chưa được hiểu chính xác

(ANTĐ) -Sữa và chất lượng sữa đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ. Đặc biệt là kiến thức về các chỉ số chất lượng (specification) và tiêu chí kiểm nghiệm hàm lượng trong sữa, thực phẩm chưa được hiểu chính xác đang gây hoang mang cho các bà mẹ, ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ em Việt Nam. Tại buổi tọa đàm do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức mới đây, các ý kiến từ các cơ quan đã kịp thời hóa giải nỗi lo này.

Khi các chỉ số chất lượng trong sữa chưa được hiểu chính xác

(ANTĐ) -Sữa và chất lượng sữa đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bà mẹ. Đặc biệt là kiến thức về các chỉ số chất lượng (specification) và tiêu chí kiểm nghiệm hàm lượng trong sữa, thực phẩm chưa được hiểu chính xác đang gây hoang mang cho các bà mẹ, ảnh hưởng đến việc chăm sóc trẻ em Việt Nam. Tại buổi tọa đàm do Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức mới đây, các ý kiến từ các cơ quan đã kịp thời hóa giải nỗi lo này.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Việc lấy mẫu sản phẩm kiểm nghiệm phải đảm bảo tính đại diện cho lô hàng. Phương pháp phân tích đưa vào áp dụng phải được xác nhận giá trị sử dụng (hay có thể gọi là “thẩm định phương pháp”) để đảm bảo phù hợp với mục đích sử dụng và phù hợp với tất cả điều kiện phân tích tại mỗi phòng thí nghiệm. Mỗi kết quả kiểm nghiệm đều có một sai số nhất định. ở các chỉ tiêu khác nhau, đối tượng mẫu khác nhau, nồng độ khác nhau và điều kiện thử nghiệm khác nhau thì mức độ sai số có thể khác nhau”.

Thực tế cũng cho thấy, tình trạng hỗn loạn kiểm nghiệm chất lượng sữa, thực phẩm đang diễn ra phổ biến và gây bất ổn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng, quan trọng nhất là tạo nên tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Nói về vến đề này, đại diện Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng: “Không có quy định cụ thể về sự dao động của các dưỡng chất trong tiêu chuẩn sản phẩm.

Thực tế, do nguồn nguyên liệu, quy trình, công nghệ khác nhau, nên các sản phẩm có hàm lượng các dưỡng chất không tuyệt đối giống nhau. Vì vậy nhà sản xuất căn cứ vào mức tối thiểu và mức tối đa hàm lượng dưỡng chất mà sản phẩm đạt được, độ ổn định của các dưỡng chất này để công bố khoảng dao động của các dưỡng chất trong tiêu chuẩn sản phẩm”.

Để hiểu rõ hơn khái niệm tiêu chuẩn sản phẩm, đại diện Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh: “Tiêu chuẩn sản phẩm là phạm vi giới hạn của hàm lượng dưỡng chất được công bố với Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, như một phần của hồ sơ Công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Sau khi được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế phê duyệt, sản phẩm sau đó sẽ phải đảm bảo các tiêu chuẩn như đã công bố và được phép lưu thông tại thị trường Việt Nam.

Như đã được phê duyệt, tất cả các hàm lượng dưỡng chất trong sản phẩm bắt buộc phải nằm trong tiêu chuẩn sản phẩm đã được công bố. Khi hàm lượng dưỡng chất được hậu kiểm, các sản phẩm đạt chất lượng sẽ cho kết quả nằm trong tiêu chuẩn sản phẩm đã được công bố và phê duyệt”.

Vân Đình