“Khéo ăn thì no…”
(ANTĐ) - Trong bối cảnh tăng giá, mỗi ngày cầm 200.000 đồng ra chợ mua thực phẩm cho gia đình, chị Hoàng Thu Hà, ở phường Thành Công, quận Ba Đình cứ tần ngần, nhẩm tính mua thứ gì cho đủ mà không vượt quá số tiền mang theo…
Cân đối chi tiêu
Cũng giống như chị Hà và những người nội trợ khác, chị Phan Thu Huyền, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho biết: “Từ gần một tháng nay, mỗi khi đi chợ thấy tiêu hết tiền mà vẫn chẳng mua được gì nhiều nên tôi đã quyết định dậy sớm ra tận chợ đầu mối Long Biên để mua rau và hoa quả tươi về ăn cả tuần cho gia đình. Vì gia đình tôi có 2 cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn nên bữa ăn phải cung cấp đủ chất cho các cháu…”.
Chị Huyền kể, ngày trước nguyên tiền thức ăn cho 4 người chỉ tiêu khoảng hơn 100.000 đồng một ngày mà nay cũng những thứ như vậy, số tiền phải mất thêm trung bình 30% nữa. Giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tăng từ 5 đến 50% trong tháng qua khiến vợ chồng chị phải chọn giải pháp cân đối chi tiêu và sống chung với giá cả tăng.
Trong khi đó chị Nguyễn Thu Thủy, ở đường Đê La Thành, quận Đống Đa lại chọn giải pháp cắt giảm khẩu phần ăn trong gia đình: “Trước kia, đi chợ tôi mua 5-7 lạng thịt cho gia đình thì nay giảm một nửa. Bây giờ, ăn thịt nhiều quá cũng không tốt cho sức khỏe nên mọi thành viên trong gia đình tôi đều vui vẻ chấp nhận. Tôi nghĩ mình cần phải lạc quan để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bữa cơm tối tôi nấu dư ra một chút để cho ông xã và hai cháu lớn đang học đại học mang theo ăn trưa. Chuyến du lịch nước ngoài mà vợ chồng tôi dự định đi sau tết cùng các con cũng được hoãn lại”.
Ngay cả việc “săn” hàng giảm giá và hạn chế đi siêu thị cũng là một giải pháp để cắt giảm chi tiêu để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn… Khảo sát tại một số chợ đầu mối, chúng tôi được những người buôn bán thở dài: “Càng ngày người đi chợ càng vắng dần. Nhiều người bán hàng nghỉ kinh doanh vì tiền thuê chỗ tăng, trong khi lượng khách không đông như trước. Người mua thì cứ nâng lên, đặt xuống, đắn đo mỗi khi chọn mua thực phẩm…”.
“Cơm cặp lồng” tái xuất
Do giá thực phẩm tăng nên nhiều quán cơm văn phòng cũng đồng loạt tăng giá. Chị Vũ Thu Nga - nhân viên ngân hàng vẫn không giấu được vẻ ngạc nhiên: “Trước tết tôi ăn mỗi suất cơm với giá 20.000 - 25.000đ. Nhưng hôm trước sau khi ăn xong, lấy tiền ra trả tôi không tin vào mắt mình khi nhìn vào hóa đơn thanh toán với 40.000đ/suất cơm song chất lượng vẫn như cũ.
Trong khi thu nhập không tăng nhưng cái gì cũng tăng giá, tôi đành phải chọn cách chịu khó dậy sớm đi chợ nấu ăn rồi mang thức ăn từ nhà đi vừa tiết kiệm lại vừa đảm bảo vệ sinh. Các món ăn cũng đơn giản hơn từ việc chế biến đến nấu nướng. Còn những món quà vặt và việc ngồi quán cà phê sau giờ ăn cũng bị cắt giảm tối đa”…
Cũng theo chị Nga, để cân đối chi tiêu, tránh thâm hụt ngân quỹ vào cuối tháng, mỗi tháng chị thường để riêng tiền vào các khoản như tiền điện thoại, tiền xăng xe, tiền đi chợ… rồi dựa trên khoản tiền đó mà tự cân đối. Bên cạnh đó, việc ăn sáng của các thành viên trong gia đình chị Nga cũng diễn ra tại nhà.
“Dù có bận rộn hơn một chút và mọi người phải dậy sớm hơn, song việc ăn sáng ở nhà vừa tiết kiệm lại đầm ấm. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng lập ra danh sách các khoản chi không cần thiết để cắt giảm bớt như việc mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân, thay mới một số thiết bị trong nhà... Con gái tôi trước kia đi xe máy đi học nhưng do giá xăng tăng 3.000 đồng/ lít nên vợ chồng tôi đã yêu cầu cháu chuyển sang đi xe buýt. Không chỉ có vậy, thay vì thuê người giúp việc, mỗi thành viên trong gia đình phải có ý thức tự dọn dẹp nhà cửa và cùng nhau tổng vệ sinh vào ngày cuối tuần. Nhờ thế mà trong khi giá cả tăng, đời sống gia đình tôi cũng không bị ảnh hưởng nhiều” - chị Nga chia sẻ.
Ngọc Bảo