Khẩu chiến Mỹ - Nga về Syria

ANTD.VN - Thay vì bắt tay hợp tác nhằm giải quyết cuộc chiến Syria kéo dài đã 6 năm làm hơn 300.000 người thiệt mạng, Mỹ và Nga lại khẩu chiến căng thẳng do những khác biệt quá lớn về quan điểm.

Khẩu chiến Mỹ - Nga về Syria ảnh 1Nga và Mỹ đã có màn khẩu chiến tại Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Syria

Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ về Syria được triệu tập ngày 25-9 tại trụ sở tổ chức này theo yêu cầu của Anh, Mỹ và Pháp đã chứng kiến cuộc tranh cãi giữa đại diện Nga và Mỹ quanh cuộc chiến tại Syria, tập trung là chiến dịch không kích tại thành phố Aleppo của quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power đã cáo buộc Nga “nói dối” về những gì mình đang làm ở Syria và Matxcơva cùng chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang tàn phá Aleppo, thành phố được xem là một biểu tượng của khu vực Trung Đông. Theo bà Samantha, những trận không kích của Nga tại Aleppo không phải là chống khủng bố mà là “dội bom vào các bệnh viện và đoàn cứu trợ nhân đạo”.

Đáp lại, đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin khẳng định, mục tiêu mà Nga không kích hoàn toàn không phải là những nhóm chống đối Chính phủ Syria “ôn hòa” mà là các nhóm khủng bố. Ông Churkin cũng nhấn mạnh Nga và Chính phủ Syria sẽ không chấp nhận các biện pháp đơn phương ngừng bắn ở Syria thêm nữa sau khi “Mỹ sử dụng những mánh khóe chiến thuật” để các phần tử khủng bố tăng cường lực lượng.

Cuộc khẩu chiến ngay tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ được xem như “dấu chấm hết” cho lệnh ngừng bắn mới nhất mà Nga và Mỹ vừa đạt được ngày 9-9 vừa qua. Lệnh ngừng bắn mới nhất có hiệu lực từ ngày 12-9 cũng đã “chết yểu” như những thỏa thuận ngừng bắn trước đây tại điểm nóng xung đột Syria.

Cho dù LHQ, cộng đồng quốc tế và cả Nga lẫn Mỹ cùng kêu gọi khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria để tạo điều kiện cho cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài 6 năm qua tại nước này khiến hơn 300.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà đi lánh nạn, song điều này xem ra quá khó khăn vào lúc này. Trở ngại chính không nằm trên chiến trường, dù rất ác liệt, mà do lập trường, quan điểm khác biệt cơ bản giữa các bên, đặc biệt là hai quốc gia có vai trò và ảnh hưởng chi phối chính với cuộc chiến.

Mỹ luôn coi chính quyền Tổng thống al-Assad là trở ngại lớn nhất cho mọi giải pháp hòa bình tại Syria, đồng thời xem các nhóm vũ trang chống đối là những “nhóm ôn hòa”. Ngược lại, Nga lại nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống al-Assad mới là người là đang tiến hành chống khủng bố và các “nhóm ôn hòa”, theo quan điểm của Mỹ, cũng chỉ như tổ chức khủng bố khét tiếng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Không chỉ với tư cách là Chủ tịch Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria có sự tham gia của khoảng 20 quốc gia, Nga và Mỹ với vị thế cường quốc đầy ảnh hưởng của mình có vai trò rất lớn trong mọi giải pháp cho cuộc chiến đẫm máu này. Tuy nhiên, triển vọng giải quyết hòa bình cuộc chiến Syria xem ra còn xa vời khi hai bên có quan điểm cùng lợi ích đối nghịch nhau, mà cuộc khẩu chiến vừa qua ngay giữa Hội đồng Bảo an là minh chứng.