Khẳng định đường lối V.Putin

ANTĐ - Tổng thống Nga đã bắt đầu chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông là Israel, vùng lãnh thổ Palestine và Vương quốc Jordan, thể hiện chính sách đối ngoại của Nga sau khi ông V.Putin lên nắm quyền.   

Ông V.Putin trong một chuyến thăm đến Trung Quốc

Chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống V.Putin là Israel với đề tài thảo luận là đối thoại chính trị và quan hệ hợp tác song phương các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nhân văn và công nghệ cao, tình hình Syria và chương trình hạt nhân của Iran cũng như tiến trình đàm phán Israel - Palestine. 

Tiếp đó, ông V.Putin tới vùng lãnh thổ Palestine để hội đàm với Tổng thống M.Abbas về triển vọng tìm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Điểm dừng chân cuối cùng của ông V.Putin là Vương quốc Jordan với cuộc hội đàm cùng Quốc vương Al - Husein nhằm tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước và bàn việc Nga xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Jordan. 

Thường thì qua những chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bất cứ nguyên thủ nào sau khi lên nắm quyền, dư luận có thể hiểu được ưu tiên trong đường lối đối ngoại của người đó. Điểm lại những nơi mà ông V.Putin đặt chân sau khi lên nắm quyền là một số nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Trung Quốc và bây giờ là Trung Đông, có thể thấy trọng tâm và mục đích trong chính sách đối ngoại của ông V.Putin như sau:

Vẫn như trước đây, các nước láng giềng SNG là ưu tiên số 1 trong quan hệ đối ngoại của nước Nga. Điều này cũng dễ hiểu bởi sự gắn bó về lịch sử của Nga với các nước này trong quá khứ, sự ràng buộc về lợi ích kinh tế và đặc biệt là nhu cầu về an ninh. Trên thực tế, Nga và Belarus đang hướng tới mô hình “siêu nhà nước” với các cơ chế điều hành xuyên quốc gia. Nga, Belarus, Kazakhstan và một số nước SNG thì hướng tới không gian kinh tế chung. 

Với Trung Quốc, việc ông V.Putin chọn Bắc Kinh chứ không phải Washington để đi thăm sau khi trở lại Điện Kremlin cho thấy nước Nga coi trọng sự ổn định của quan hệ Nga - Trung hơn là mối quan hệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” Nga - Mỹ. Trước hết là lợi ích kinh tế của mối quan hệ láng giềng này bởi chỉ riêng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong năm ngoái cũng đã lên tới 80 tỷ USD. Thêm vào đó, Nga và Trung Quốc luôn có quan điểm khá tương đồng trong nhiều vấn đề quốc tế lớn, đối lập với quan điểm của Mỹ.

Đối với Trung Đông, khu vực đang là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế bởi hàng loạt các “điểm nóng”, đương nhiên đây là nơi thu hút sự quan tâm của Nga, để Mátxcơva khẳng định vai trò và vị thế của mình. Nga lại là đồng minh thân cận của Iran và Syria, hai nước được coi là thù địch với Israel, là một bên quan trọng trong việc giải quyết câu hỏi về tương lai của nhà nước Palestine, vì thế việc ông V.Putin đến Israel chắc chắn không nằm ngoài việc khẳng định quan điểm của Nga trong việc giải quyết những mâu thuẫn kéo dài đã hơn nửa thế kỷ này. 

Người ta cũng có thể thấy dù không đến Syria nhưng việc Tổng thống V.Putin đến khu vực Trung Đông cho thấy nước Nga tiếp tục thể hiện sự can dự mạnh vào việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ hiện nay ở Syria. Nước Nga chắc chắn không muốn tình hình ở Syria diễn biến theo chiều hướng lặp lại kịch bản ở Iraq, Libya.