Khai tử hóa đơn giấy từ 1/7/2022: Hóa đơn điện tử liệu có an toàn, bảo mật?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người dân, doanh nghiệp lo lắng về tính an toàn của hóa đơn điện tử, nguy cơ hóa đơn điện tử giả, dữ liệu bị tẩy xóa, giả mạo... Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định hóa đơn điện tử có tính bảo mật và an toàn cao.

Theo Thông tư số 78/2021/TT-BTC từ ngày 01/7/2022, hóa đơn giấy sẽ không còn hiệu lực, thay vào đó là áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT). Tuy nhiên, đến thời điểm này, hiều người dân và doanh nghiệp vẫn băn khoăn về những lợi ích, tính an toàn, bảo mật của HĐĐT.

Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn cho biết, hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích nổi bật mà các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân mua/bán hàng hóa, dịch vụ được thụ hưởng.

Trong đó, người mua hàng hóa dễ dàng tra cứu và đối chiếu được HĐĐT do người bán hàng cung cấp. Tổ chức, DN sử dụng HĐĐT giúp giảm nhiều chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy (như giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển và lưu trữ hóa đơn…), giảm chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế.

Việc thực hiện đúng các quy định về hoá đơn, chứng từ của các tổ chức, DN sẽ giúp tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, góp phần hỗ trợ DN kinh doanh được thuận lợi. Việc sử dụng HĐĐT cũng khắc phục triệt để một số rủi ro của hóa đơn giấy truyền thống như mất, hỏng, cháy.

Bên cạnh đó, việc sử dụng HĐĐT cũng tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Bởi vì sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy từ 1/7/2022

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy từ 1/7/2022

Đối với cơ quan thuế, việc sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Việt triển khai hóa đơn điện tử góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN, tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.

Đối với những lo lắng về tính an toàn của HĐĐT, nguy cơ HĐĐT giả, dữ liệu bị tẩy xóa, giả mạo..., ông Phạm Quang Toàn khẳng định, HĐĐT không những tiện lợi mà có tính bảo mật và an toàn cao.

Cụ thể HĐĐT được bảo vệ bằng chữ ký số của người bán hàng. Cơ quan thuế có thể dễ dàng để phát hiện và xử lý ngay tình trạng giả mạo HĐĐT.

Mặt khác, toàn bộ dữ liệu HĐĐT đều được gửi đến cơ quan thuế bằng đường truyền kết nối riêng, có cơ chế bảo mật trên đường truyền. Cơ quan thuế xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu HĐĐT tập trung tại Tổng cục Thuế để cung cấp các dịch vụ cho người bán và người mua hàng hóa, dịch vụ có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.

Đáng chú ý, dựa trên công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), cơ quan thuế có thể phân tích, đối chiếu thông tin hoá đơn với các thông tin về khai thuế, nộp thuế để có thể phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về sử dụng HĐĐT.

Theo lộ trình của Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử sẽ chia 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022 sẽ triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.