Kế hoạch bí mật khi người Mỹ muốn “giữ dầu” ở Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước cuối năm 2019, khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quân đội Mỹ sẽ ở lại Syria để “giữ dầu mỏ”, một kế hoạch bí mật đã được vạch ra. Do Hoa Kỳ không thể trực tiếp đứng ra làm việc này nên họ đã hỗ trợ lực lượng người Kurd để lấy đó làm đối trọng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Mỹ dường như đã phá sản trong kế hoạch “giữ dầu” tại Syria

Mỹ dường như đã phá sản trong kế hoạch “giữ dầu” tại Syria

Sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cuối năm 2019, Lầu Năm Góc nói lại rằng, quân đội Mỹ chỉ ở lại Syria để đánh bại hoàn toàn IS. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào xung quanh các mỏ dầu chỉ là một phần của sứ mệnh truy quét phiến quân. Nhưng đến nay, sau 2 năm, tàn tích của IS đã mất dần, binh sĩ Mỹ vẫn ở lại giúp bảo vệ nguồn dầu mỏ ở Syria - một trong những điểm xung đột nguy hiểm nhất thế giới. Đến tháng 3-2021, Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ và liên minh “không hỗ trợ cho bất kỳ công ty tư nhân, nhân viên hoặc đại lý nào trong việc tìm cách phát triển các nguồn dầu mỏ ở Đông Bắc Syria”. Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.

Chiến lược tư vấn và hỗ trợ về kinh tế

Không tiếp tục trực tiếp can sự quân sự vào Syria, Mỹ đã đưa ra một kế hoạch hợp lý hơn, đó là giúp các đối tác người Kurd kiếm lợi từ dầu, làm đối trọng với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hay các phiến quân khác. Các mỏ dầu ở phía Đông Bắc này từng là một phần của mạng lưới mà IS đã thu về 1,5 triệu USD doanh thu hàng ngày. Giải pháp để Mỹ thực hiện điều này là Delta Crescent Energy, LLC., một công ty được thành lập vào năm 2019, đảm nhận một vai trò trung tâm và phần lớn là bí mật trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Công ty nhỏ bé từ Delaware này được cho là có thể trở thành lực lượng tương đương với đội quân đánh thuê tư nhân hùng mạnh của Nga - Tập đoàn Wagner.

Thực ra, kế hoạch ở lại và bảo vệ dầu mỏ của Syria đã được thực hiện vài tháng trước khi Tổng thống Trump tiết lộ vào cuối năm 2019. Do các công ty và cá nhân Mỹ đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấm hoạt động ở Syria nên vào ngày 8-4-2020, Delta Crescent được miễn các lệnh trừng phạt 1 năm để “tư vấn và hỗ trợ” cho một công ty dầu mỏ địa phương ở Đông Bắc Syria - một khu vực được địa phương gọi là Rojava do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd kiểm soát. Các quan chức Mỹ cho rằng, nguồn dầu mỏ ở Đông Bắc Syria không thực sự thuộc về Tổng thống Assad - người vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 4 với 95% phiếu ủng hộ - bởi nguồn tài nguyên này thuộc về người dân chứ không phải của chính phủ.

Mỗi thùng dầu xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ Syria, Delta Crescent sẽ nhận được 1USD, theo thỏa thuận và đơn đăng ký mà công ty nộp lên Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Công ty này được thành lập bởi James P. Cain - cựu Đại sứ Mỹ tại Đan Mạch; Jim Reese - sĩ quan Lực lượng Delta đã nghỉ hưu; John Dorrier - cựu giám đốc điều hành một công ty dầu mỏ. Ba công dân Mỹ này đột nhiên có vai trò to lớn để giải quyết thách thức chính sách đối ngoại gai góc nhất của Mỹ: Làm thế nào lập nên bức tường hòa bình và thịnh vượng để người Kurd chống lại chính quyền Syria. “Đây là sự thay đổi so với kết thúc cuộc chiến ở Iraq vào năm 2003. Nếu chúng ta không làm ở góc độ kinh tế và thương mại, chúng ta sẽ thua trong trận chiến này”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.

Công nhân tại nhà máy lọc dầu ở gần thành phố Qamishli thuộc “thủ phủ” dầu mỏ Syria

Công nhân tại nhà máy lọc dầu ở gần thành phố Qamishli thuộc “thủ phủ” dầu mỏ Syria

Sứ mệnh bất khả thi

Khu vực Rojava là nơi chiếm 3/4 trữ lượng dầu mỏ ở Syria. Trong khu vực này, tại thị trấn Rmelan (gần thành phố Qamishli), Delta Crescent duy trì các văn phòng, 10 nhân viên cùng đối tác địa phương là Công ty Dầu mỏ Jazeera. Phương châm của Delta Crescent là giúp các đối tác địa phương trở nên độc lập về tài chính và giành quyền kiểm soát lĩnh vực dầu mỏ của đất nước. Thế nhưng vào thời điểm tháng 3-2021, Maher Howair - công nhân làm tại nhà máy lọc dầu tại đây cho biết, tình hình so với năm ngoái không có dấu hiệu cải thiện nào. Mỗi tuần làm việc 30 giờ vẫn luôn đem về cho họ thu nhập 11 USD/tháng.

Các nhân viên của Delta Crescent đang rất nóng lòng muốn thực hiện bước tiếp theo, đó là ký kết các hợp đồng xuất khẩu và nhập khẩu thêm thiết bị hiện đại. Hai trong số những người sáng lập Delta Crescent cho biết, Chính phủ Mỹ đã không ủng hộ họ khi không gây áp lực buộc các nước láng giềng hợp tác. Thêm nữa, nguồn dầu xuyên biên giới Syria không nằm trong diện bị trừng phạt, nhưng bên bán không nhận được đúng giá thị trường vì bị cho là “không hợp pháp”. Vì thế, sứ mệnh “tư vấn và hỗ trợ” của công ty trở nên bất khả thi. Kỳ vọng sử dụng một công ty dầu khí tư nhân nhỏ bé để mang lại sự ổn định cho khu vực vì thế trở nên không thực tế.

Kể từ tháng 1-2021, Delta Crescent cố gắng nhưng vẫn không mở được thêm một cửa khẩu biên giới giữa Iraq và Syria tại thị trấn al-Yarubiyah. Điều này khiến các quan chức SDF và chính quyền của Tổng thống Biden đã bắt đầu giảm niềm tin vào Delta Crescent. Trong khi đó, chính quyền Syria đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục người dân rằng, người Mỹ ở đó để ăn cắp dầu của đất nước này. Vào giữa tháng 5, khi gần tới thời hạn gia hạn cấp phép cho Delta Crescent, lãnh đạo công ty gần như cảm nhận được chính quyền mới của Tổng thống Biden coi họ chỉ là quyết định nhất thời của cựu Tổng thống Trump và muốn công ty biến mất.

Rơi vào thế kẹt

Talabany - một trưởng nhóm tình báo người Kurd có thể thấy giá trị của những gì Delta Crescent đã cố gắng. Ông nói: “Nếu người Mỹ không ở lại vì dầu, thì Mỹ sẽ mất tất cả”. Nhưng Delta Crescent rõ ràng bị kẹt giữa chính sách thù địch của chính phủ và các nước láng giềng lẫn các lực lượng địa phương. Đơn cử, khi Delta Crescent đặt vấn đề, người đứng đầu khu vực của người Kurd (KRG) ở miền Bắc Iraq đã từ chối đàm phán lại về hoạt động buôn bán bất hợp pháp của họ với Rojava. Theo những người quen thuộc với các cuộc đàm phán, vào gần cuối năm 2020, nhà máy lọc dầu Lanaz của người Kurd Iraq đã tăng cường khả năng lọc dầu kém chất lượng hơn từ Rojava. Giá của mỗi thùng dầu được trả khoảng 19USD và chuyển vào đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng phía người Kurd muốn được chia tỷ lệ 70%. Trong tình huống vậy, những người sáng lập Delta Crescent đã chùn bước.

Mặc dù SDF từng cử binh sĩ bảo vệ các cơ sở dầu khai thác bán cho Delta Crescent, nhưng những người thân cận với ban lãnh đạo SDF nói rằng, giới lãnh đạo người Kurd ở Syria đang tự cảnh tỉnh không nên dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ và Delta Crescent trên diện rộng, vì họ vẫn không chắc liệu người Mỹ có thể giúp họ đạt được quyền tự chủ hơn nữa từ chính quyền Syria hay không. Hơn nữa, không ai ở Syria tin rằng người Mỹ có một chiến lược lâu dài gắn kết với mảnh đất này. Các quan chức Mỹ tại Washington D.C cho rằng, chính quyền Syria đang giành lại được phần lớn lãnh thổ bị mất, trong khi phần lớn người dân Syria hiện nay bày tỏ lòng trung thành với chế độ của Tổng thống Assad, thậm chí ngay ở trong vùng Rojava của người Kurd.

Ông Shaaban Suleiman đến từ làng Gundek Sayid đã chia sẻ rằng, ông từng nghĩ là cơ quan quản lý hiện tại ở Rojava sẽ hỗ trợ người dân sau khi giành được quyền kiểm soát, nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. “Dầu không mang lại lợi ích gì cho người dân. Không quan trọng ai đến hay ai đi. Bất cứ ai cho tôi thức ăn đều được chào đón ở đây” - ông nói. Còn Ahmad Saeed, 46 tuổi, một người sửa chữa máy sưởi ở Qamishli cho biết: “Sự can thiệp của Mỹ sẽ gây ra tác hại nhiều hơn là có lợi. Họ sẽ bơm dầu và đánh cắp nó trong bối cảnh nạn đói này. Họ đã ở đây nhiều năm, điều gì đã thay đổi? Khi người Mỹ đến một nơi nào đó, họ làm việc vì lợi ích của họ chứ không phải lợi ích của người dân”.

Sau tất cả, tham vọng cao cả của Delta Crescent đã đột ngột chấm dứt khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi cuối tháng 5-2021quyết định không gia hạn cho giấy phép hoạt động của công ty này ở Syria. Vẫn chưa rõ chính quyền của ông Biden có kế hoạch thế nào trong tương lai với Syria và liệu họ có thể hỗ trợ một sáng kiến kinh tế khác như Delta Crescent hay không.