Kẻ giết người bí ẩn

ANTĐ - Sau 31 năm, dường như không ai còn nhớ đến loạt vụ giết người kinh khủng từng gây chấn động toàn Trung Quốc ấy, trừ nạn nhân duy nhất sống sót và lực lượng điều tra hình sự thuộc Công an Thượng Hải.

Lật lại hồ sơ

Ngày 10-8-1981, nhân viên dọn phòng khách sạn Kiện Hoa trên đường Diên Bình, quận Tĩnh An, Thượng Hải đến làm vệ sinh các phòng như thường lệ. Khi đến phòng 42 ở tầng hầm, anh ta chợt phát hiện người khách nằm trên giường số 3 không động đậy. Điều đáng nói là vào cùng giờ ngày hôm trước, khi anh ta dọn phòng, vị khách này cũng vẫn nằm nguyên trên giường với tư thế đó. Thấy lạ, nhân viên dọn phòng đến gần xem, mới thấy khóe miệng người khách có vết máu đã khô.

Vụ việc nhanh chóng được báo tới cảnh sát hình sự thành phố. Điều tra sơ bộ được biết nạn nhân là Lý Bách, nhân viên mậu dịch nhà máy chân tay giả Thanh Đảo. Ngày 8-8, Lý Bách từ Thanh Đảo đến Thượng Hải công tác đã thuê phòng ở khách sạn Kiện Hoa. Trên thi thể nạn nhân, cảnh sát phát hiện những vết bị cháy ở lưng, trán và cổ, chứng tỏ chết vì điện giật. Thủ đoạn giết người hoàn toàn mới này khiến các điều tra viên không khỏi băn khoăn.

Những năm 1980, ở Thượng Hải chưa có nhiều khách sạn, nên khách đến thuê phòng dù không quen biết vẫn phải chấp nhận ở chung phòng với người khác. Khi đó, Lý Bách mang theo trong người hơn 200NDT, một món tiền lớn thời bấy giờ. Nghi vấn lập tức hướng vào người khách ở cùng phòng với Lý Bách. Thông tin từ các nhân viên khách sạn cho hay, vị khách ở cùng phòng nạn nhân đăng ký tên “Lý Nghĩa Thanh”, hơn 30 tuổi, dáng người trung bình, nói giọng miền bắc. Tuy nhiên sau ngày án mạng xảy ra, anh ta biến mất khi chưa thanh toán tiền phòng. 

Theo dấu tới cùng

Thời điểm đó, khách thuê trọ không cần phải xuất trình chứng minh thư, chỉ cần cung cấp giấy giới thiệu của đơn vị công tác khi làm thủ tục thuê phòng. Theo giấy giới thiệu mà Lý Nghĩa Thanh xuất trình, anh ta đến từ bệnh viện đông y thị trấn Song Dương, tỉnh Cát Lâm. Tuy nhiên kết quả điều tra cho thấy không hề có bệnh viện này. Chi tiết đó càng khiến các nhà điều tra khẳng định Lý Nghĩa Thanh chính là thủ phạm giết người cướp của. Tuy nhiên manh mối duy nhất thủ phạm để lại hiện trường là 4 dấu vân tay trên cửa thông gió thông ra hành lang, trong khi những năm 1980 ở Trung Quốc chưa áp dụng chế độ chứng minh thư, tức là việc dò dấu vân tay cũng gần như không thể.

 Khi việc điều tra đang bế tắc, ngày    26-8, công an nhận được tin báo về một vụ cố ý giết người bằng kích điện khác ở một nhà khách tại Chiết Giang. Vì người bị hại tỉnh lại hô hoán nên hung thủ giật mình, bỏ chạy. Tại hiện trường, người ta tìm thấy 2 sợi dây điện dùng để gây án. Chân dung hung thủ được xác định: cao 1,7m, nói giọng miền Bắc, hoàn toàn trùng khớp với “Lý Nghĩa Thanh”. Đáng sợ hơn, trong vòng nửa tháng sau đó, tại Chiết Giang tiếp tục xảy ra 2 án mạng khác làm chết 2 người, hung thủ vẫn dùng phương pháp kích điện giật chết nạn nhân. Dù công tác điều tra được đẩy mạnh nhằm trấn an dư luận đang hoang mang lo sợ, nhưng vẫn không kết quả.

Phải đến ngày 18-4-2012, các kỹ thuật viên thuộc Trung tâm KTHS, Phòng CSHS Công an Thượng Hải khi kiểm tra kho dữ liệu, chợt phát hiện một dấu vân tay rất giống của “Lý Nghĩa Thanh” lưu lại hiện trường các vụ án xảy ra cách đây 31 năm. Chủ nhân của dấu vân tay đó là Nghệ Hồng Quang, ở Ưng Đàm, Sơn Tây. Chuyên án điều tra loạt án mạng được phục hồi. Ngày 19-4, một tổ trinh sát được cử đi bắt Nghệ Hồng Quang. Đến khi bị bập chiếc còng vào tay, Nghệ Hồng Quang vẫn bàng hoàng vì không ngờ tới.