“Kẻ địch” đáng sợ nhất của không quân các nước

ANTĐ - India Express của Ấn Độ ngày 20-10 cho biết, thời gian qua không quân nước này liên tục bị báo động bởi các vật thể bay lạ xâm nhập vào không phận, khiến cho không quân nước này phải tung máy bay chiến đấu ngăn chặn, nhưng khi bay lên, các máy bay này không phát hiện được bất cứ mục tiêu nào.

Bài báo cho biết, cách đây vài tuần, máy bay của không quân Ấn Độ trong khi bay tuần tra ở khu vực Gujarat đã phát hiện “một vật thể bay lạ không người lái”, chuẩn bị xâm nhập không phận Ấn Độ và họ đã bay đến khu vực đó để ngăn chặn.

Điều đáng sợ hơn là, chiếc máy bay không người lái của “quân địch” này dường như biết được ý đồ của họ, mỗi khi máy bay chiến đấu mở radar quét tìm tín hiệu của “máy bay địch”, thì tín hiệu radar của nó lại biến mất đầy bí ẩn, nhưng khi máy bay chiến đấu rời khỏi khu vực đó thì tín hiệu lại xuất hiện.

Trò chơi “mèo vờn chuột” này kéo dài vài tuần làm không quân nước này rất căng thẳng. Cuối cùng, qua liên hệ với các tổ chức nông nghiệp địa phương, không quân Ấn Độ mới ngã ngửa người ra vì đó thực chất chỉ là những đàn chim di cư.

Không quân nước này đã cho biết trong báo cáo đệ trình lên bộ quốc phòng, các đàn chim này giống hệt đặc trưng của máy bay không người lái, đây lại là mùa thiên di của các loài chim nên nó xuất hiện liên tục nên không quân Ấn Độ đã nhận định sai, làm cho họ đã phải chuẩn bị lên phương án đối phó nếu hiện tượng này lặp đi lặp lại.

“Kẻ địch” đáng sợ nhất của không quân các nước ảnh 1

Không quân Ấn Độ đã phải điều động máy bay chiến đấu vì các đàn chim di cư (Ảnh minh họa)


Đây không phải là lần đầu tiên không quân nước này phát hiện các vật thể bay lạ. Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, họ đã phát hiện hàng trăm vụ như vậy nhưng chỉ có điều là họ không phát hiện được gì từ những vụ việc đó. Có khả năng những chúng có liên quan đến hiện tượng chim di cư như trong vụ này, bởi xuất hiện có những đặc điểm giống nhau.

Quân đội Ấn Độ đã sử dụng hệ thống radar mặt đất cơ động và thiết bị phân tích quang phổ để thăm dò tính chất của các “UFO” này, nhưng họ chỉ có thể nhìn thấy bằng mắt thường chứ không phát hiện được nó trên màn hình radar, có khả năng nó được làm bằng nguyên liệu phi kim. Điều này đã làm các quan chức Ấn Độ lo lắng, họ sợ rằng đây là một loại thiết bị trinh sát hoặc UAV mới của Trung Quốc.

Không chỉ có Ấn Độ, liên tiếp trong 2 tuần cuối tháng 9 vừa qua, không quân Israel cũng đã phải 3 lần xuất kích để đánh chặn “vật thể bay lạ” là các… đàn chim xâm nhập không phận nước mình. Những con chim di chuyển chậm, phát ra tín hiệu yếu đã khiến radar nhầm chim với mục tiêu không người lái cỡ nhỏ. Chúng đã bất ngờ kích hoạt hệ thống báo động phát hiện kẻ xâm nhập trên không của Israel làm các chiến đấu cơ phải bay lên ứng phó khẩn cấp.

“Kẻ địch” đáng sợ nhất của không quân các nước ảnh 2

Chiếc Su-30 Trung Quốc bốc cháy vì chim chui vào động cơ

Không những thế, chim còn lại tác nhân gây ra những tai nạn đối với cả máy bay quân dụng và dân dụng. Điển hình là vào ngày 20-04-2013, một chiếc Su-30 của hạm đội Đông Hải - Trung Quốc cũng bị hư hại nặng khi đang cất cánh vì chim chui vào động cơ làm máy bay bốc cháy ngùn ngụt hoặc ngày 26-06-2013, 1 chiếc máy bay tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ bất ngờ gặp nạn và rơi xuống khu vực phía tây căn cứ Không quân Luke, thành phố Glendale, bang Arizona, vì va chạm với 1 đàn chim dẫn đến hỏng động cơ.

Theo các thống kê năm 2011 tại Mỹ có tới 9840 báo cáo sự cố máy bay vì chim, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra vì nguyên nhân này làm 24 người chết, 235 người bị thương tính từ năm 1988 đến nay. Hồi tháng 1-2009, chiếc máy bay Flight 1549 của US Airways bị mất cả hai động cơ sau khi va chạm với chim ngay khi vừa cất cánh từ sân bay LaGuardia. Vì thế nhiều người đã nói vui, hiện nay hiểm họa lớn nhất đối với không quân các nước chính là… chim.