Italia trước tình thế "Quốc hội treo"

ANTD.VN - Chính trường Italia rơi vào thế mong manh, dễ đổ vỡ khi không một chính đảng nào giành được đa số ghế cần thiết trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 4-3 để đứng ra thành lập Chính phủ.

Italia trước tình thế "Quốc hội treo" ảnh 1Quốc hội Italia rơi vào tình thế “Quốc hội treo” do không có chính đảng hay liên minh nào thắng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 4-3

Kết quả kiểm gần 100% số phiếu của cuộc bầu cử Quốc hội Italia công bố ngày 6-3 cho thấy, Quốc hội nước này sắp tới sẽ là “Quốc hội treo” bởi không có chính đảng hay liên minh nào giành được đa số quá bán. Được xem giành chiến thắng song liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi cũng chỉ có được 37% số phiếu tại Hạ viện (đối với số ghế được bầu theo cơ chế đại diện tỷ lệ) cùng với 103 ghế hạ nghị sĩ được bầu theo cơ chế ứng cử viên nào giành nhiều phiếu nhất sẽ thắng cử.

Trong khi đó, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) giành được 32,67% số phiếu tại Hạ viện cùng với 85 ghế hạ nghị sĩ; 32,22% số phiếu tại Thượng viện và 41 ghế thượng nghị sĩ. Đảng M5S mặc dù về thứ hai trong cuộc bầu cử nhưng lại là đảng đơn lẻ giành được nhiều phiếu bầu nhất, trong khi liên minh cánh hữu có tới 4 đảng gồm: đảng trung hữu Tiến lên Italy (FI), đảng cực hữu Liên đoàn Phương Bắc (LN), đảng cực hữu Những người anh em Italy (FdI) và đảng Chúng ta với Italy (NCI),

Thất bại nặng nề nhất là liên minh cánh tả, trong đó có đảng Dân chủ (PD) cầm quyền, khi chỉ đứng thứ ba và chỉ giành được 22,85% tại Hạ viện và 22,99% tại Thượng viện cùng với 22 ghế hạ nghị sĩ và 12 ghế thượng nghị sĩ. Thất bại này đã khiến cựu Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày 5-3 đã phải tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng PD. 

Việc các đảng theo đường lối cánh hữu và cực hữu thắng thế, đi đôi với đó là thất bại của lực lượng cánh tả trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4-3 là điều được thấy trước bởi cử tri Italia có xu hướng ngày càng ủng hộ các lực lượng cánh hữu. Nguyên nhân chính là do họ lo ngại  dòng người nhập cư đổ vào Italia ngày càng nhiều, trong khi các đảng cánh hữu luôn mạnh tay hơn phe cánh tả trong xử lý vấn đề này. 

Tuy nhiên, dù lực lượng cánh hữu chiếm đa số lớn sau cuộc bầu cử Quốc hội, song liên minh cánh hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và đảng dân túy M5S lại không dễ bắt tay hợp tác với nhau để đứng ra thành lập Chính phủ liên minh bởi đường lối, quan điểm và cương lĩnh tranh cử có nhiều khác biệt lớn. Chính vì thế, giới quan sát chính trị đã nghĩ tới khả năng thành lập một đại liên minh giữa liên minh cánh hữu và đảng cánh tả PD để đứng ra lập Chính phủ.

Một kịch bản khác cũng được đề cập đến là khả năng đảng dân túy M5S được trao cơ hội để thành lập một đại liên minh với các đảng cánh hữu khác. Song một liên minh như vậy có thể làm dấy lên quan ngại không chỉ ở Italia mà khắp châu Âu bởi quan điểm chống nhập cư và hoài nghi châu Âu. 

 Kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 4-3 đã đẩy Quốc hội Italia vào tình thế “Quốc hội treo” và theo luật bầu cử mới, nếu không có đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được đa số, Tổng thống Italy Sergio Mattarella sẽ quyết định chọn đảng hoặc liên minh chính đảng phù hợp nhất đứng ra đàm phán với các đảng khác để thành lập Chính phủ. Trong trường hợp này, liên minh cánh hữu hoặc đảng M5S có thể được lựa chọn. 

Tiến trình đàm phán thành lập Chính phủ mới ở Italia dự kiến sẽ kéo dài với những cuộc thương lượng đầy khó khăn. Nếu tiến trình này bị thất bại, Italia có thể phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.