Ít được rót vốn đầu tư, đường sắt ngày càng tụt hậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hạ tầng đường sắt đến nay đã trải qua 140 năm chưa được cải tạo, cũ kỹ, lạc hậu đã khiến ngành này ngày một tụt hậu so với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là đường bộ và hàng không.

Hạ tầng 140 năm chỉ sửa chữa chắp vá

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, mạng lưới đường sắt nước ta đang có hàng nghìn đường cong bán kính dưới 300m, cùng với 14.000 vị trí bị xâm phạm ATGT, song đường sắt mới chỉ đầu tư thay thế hạ tầng cũ chứ không tạo dòng sản phẩm mới nên khó tạo động lực phát triển.

Hơn nữa, công nghệ đường sắt đến nay qua lạc hậu so với thế giới. Các nước đã dùng điện khí họa, đệm, thậm chí là đường ống trong khi đường sắt nước ta vẫn chạy đường đơn với nền tảng công nghệ diezel dẫn đến khả năng luân chuyển hàng hóa thấp, năng lực tàu thông qua chỉ được 21 đôi tàu/ngày đêm nên không đáp ứng được sự phát triển của kinh tế-xã hội và đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa và hành khách.

Trong khi đó, đất nước nếu không có hạ tầng đường sắt phát triển thì sẽ không thể công nghiệp hóa trong vận chuyển hàng hóa.

Hạ tầng đường sắt Việt Nam đã qua 140 năm không được cải tạo, đầu tư mới

Hạ tầng đường sắt Việt Nam đã qua 140 năm không được cải tạo, đầu tư mới

Ông Minh cho rằng, cả thế giới thấy rằng, đường sắt là ngành cần được đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng với nước ta còn khó khăn và hạn chế, khó khăn ở đây chính là cơ chế.

“Tiền có thể hữu hạn nhưng cơ chế không hữu hạn. Trong 30 năm đổi mới, chúng ta tập trung cho hàng không, đường bộ, hàng hải để giải quyết các nút thắt về kinh tế xã hội.

Chính phủ cần tính tới "thiên chức" của từng lĩnh vực giao thông, với vận tải đường sắt là vận tải hàng hóa khối lượng lớn, hành khách tuyến dài.

Từ đó, quy hoạch thiết kế các mạng lưới lĩnh vực giao thông phù hợp dẫn đến có sự cạnh tranh. Cơ chế ở đây là phân phối nguồn lực cho 5 phương thức giao thông, quy hoạch đường sắt đã có nhưng giao vốn, phân bổ và cân đối nguồn vốn cho các loại hình vận tải thì đường sắt lại là thế yếu. Do đó, ngành vẫn mắc kẹt ở khâu tổ chức thực hiện”, Chủ tịch HĐTV VNR phân tích.

Theo ông Minh, lĩnh vực nào chưa phát triển và hấp dẫn cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư. Khi các phương thức vận tải đã hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia thì nên giảm vốn Nhà nước và xã hội hóa.

Đường sắt chiếm 4% vốn đầu tư

Số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, năm 2017, Luật Đường sắt sửa đổi đã thông qua, trong đó ưu tiên chính sách đầu tư phát triển đường sắt, trong đó phân bổ nguồn vốn trung hạn hàng năm theo quy hoạch.

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020, nguồn vốn đầu tư 5 lĩnh vực giao thông thì đường sắt chỉ được 4%.

Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần quyết liệt hơn, vấn đề nào vướng mắc cần giải quyết dứt điểm từ vận tải đường bộ hay hàng không chuyển hướng sang đường sắt để khối lượng vận tải ngành này sẽ nâng lên. Mặt khác, muốn tạo cú hích để doanh nghiệp “rót vốn” đầu tư đường sắt cần cụ thể hóa các ưu đãi về đầu tư.

Theo dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Bộ GTVT, ngành đường sắt hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận chuyển 16,5 triệu tấn hàng hóa, 30,9 triệu hành khách đến năm 2030 và đến 2050 sẽ vận chuyển 15% sản lượng hàng hóa, 19% về hành khách.

Để đạt được kế hoạch này, dự kiến sẽ cần trên 665.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư đường sắt tốc độ cao 561.000 tỷ đồng.

Theo ông Phan Lê Bình, chuyên gia kỹ thuật hạ tầng của JICA, sự quan tâm đầu tư cho đường sắt thời gian qua chưa đủ để tạo được cách mạng nên so với các phương thức khác, đường sắt tụt hậu rất xa và càng tụt hậu càng khó thu hút người dân sử dụng đường sắt.

“10 năm qua, chúng ta đang rất băn khoăn đối với vị trí của xây dựng đường sắt hiện đại hóa. Đường bộ chỉ cần xây 20-30km là đủ đưa vào sử dụng nhưng với đường sắt thì tuyến phải từ 100-150km mới hiệu quả. Từ đặc thù đó đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn từ Nhà nước”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, với sức phát triển kinh tế rất mạnh và ổn định của Việt Nam trong những năm vừa qua, như năm 2020 có GDP đứng trong top 40 nước về GDP trên thế giới, ông Bình tin tưởng với việc hiện đại hóa đường sắt đã được xem xét rất kỹ cả 10 năm qua, đây là thời điểm đi đến quyết sách xem sẽ đầu tư như thế nào đối với giao thông đường sắt.