Israel lên tiếng việc Jordan triệu hồi Đại sứ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, Lior Haiat lên tiếng sau khi Chính phủ Jordan quyết định triệu hồi Đại sứ tại Israel Ghassan Majali để tham vấn.
Đại sứ Jordan tại Israel Ghassan Majali

Đại sứ Jordan tại Israel Ghassan Majali

“Nhà nước Israel đang tập trung vào cuộc chiến do cuộc tấn công khủng bố của Hamas, tổ chức đã tàn sát 1.400 người Israel, bắt cóc 240 phụ nữ, trẻ em, trẻ sơ sinh và người già”, ông Haiat cho biết trong 1 tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội X, “Israel đang nhắm mục tiêu vào Hamas và cơ sở hạ tầng khủng bố của tổ chức này, vốn sử dụng thường dân ở Dải Gaza làm lá chắn sống”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel cho biết, nước này “lấy làm tiếc về quyết định triệu hồi Đại sứ của Chính phủ Jordan để tham vấn”.

Trước đó, vào ngày 1-11, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi tuyên bố triệu hồi Đại sứ tại Israel Ghassan Majali và động thái này diễn ra ngay lập tức “như một cách thể hiện lập trường của Jordan bác bỏ và lên án cuộc chiến của Israel đang diễn ra ở Gaza”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan cũng cho biết, Đại sứ Israel - người hiện không có mặt ở Jordan, không được chào đón trở lại.

“Sự trở lại của đại sứ sẽ phụ thuộc vào việc Israel ngừng chiến tranh ở Gaza, ngăn chặn thảm họa nhân đạo và kiềm chế các hành động tước bỏ các quyền cơ bản của người Palestine, bao gồm tiếp cận thực phẩm, nước và thuốc men, cũng như cuộc sống an toàn và ổn định trên vùng đất của họ”, tuyên bố nêu rõ.

Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Jordan cho biết đã bắt đầu quá trình sơ tán công dân Jordan khỏi Dải Gaza.

Hôm 31-10, Colombia và Chile cũng triệu hồi Đại sứ của họ tại Israel để tham vấn do cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Tổng thống Chile Gabriel Boric cho biết, động thái này là do Israel “vi phạm Luật nhân đạo quốc tế ở Dải Gaza”.

Trong khi đó, Bolivia ngày 31-10 tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel, do hoạt động quân sự của nước này ở Gaza. Bolivia đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel vì lý do Gaza vào năm 2009, dưới thời của Tổng thống Evo Morales. Quan hệ ngoại giao giữa 2 nước được thiết lập lại vào năm 2019, và được duy trì đến nay.