Israel đặt radar ở Bahrain-UAE: Nguy cơ ‘Chiến tranh vùng Vịnh mới’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Israel đặt radar phòng thủ tên lửa ở Bahrain và UAE nhằm thẳng vào Iran đã làm dấy lên nguy cơ bùng phát một cuộc ‘Chiến tranh vùng Vịnh mới’.

Mặc dù nhận được rất ít thông tin từ các phương tiện truyền thông, nhưng một số nguồn tin cuối tuần qua thông báo rằng, được sự đồng ý của cả Abu Dhabi và Manama, Tel Avip đã triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tới hai quốc gia Ả rập vùng Vịnh là UAE và Bahrain.

Cùng khoảng thời gian 24 giờ khi Thủ tướng Israel Naftali Bennett có chuyến thăm bất ngờ tới Các tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) cuối tuần qua, lực lượng Israel đã không kích Sân bay Quốc tế Damascus của Syria.

Nguồn tin thông báo rằng, cái gọi là cơ sở hạ tầng quân sự của Israel thực chất là các hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa, để chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo được cho là xuất phát từ Iran. Điều này chính là một nguyên nhân khiến giới phân tích lo ngại về nguy cơ dẫn tới một cuộc “Chiến tranh vùng Vịnh mới”.

Theo giới quan sát, việc Israel bắt tay các quốc gia Ả rập Sunni vùng Vịnh lập một hàng rào bao vây Iran là bước đi đầu tiên đẩy căng thẳng hiện tại giữa Tel Aviv và Tehran vào một con đường không thể đảo ngược là biến nó thành một cuộc xung đột trong khu vực.

Israel đặt radar ở UAE và Bahrain được cho là nhằm ngăn chặn tên lửa Iran - điều rất dễ làm bùng phát “Chiến tranh vùng Vịnh mới”

Israel đặt radar ở UAE và Bahrain được cho là nhằm ngăn chặn tên lửa Iran - điều rất dễ làm bùng phát “Chiến tranh vùng Vịnh mới”

Trên thực tế, việc Israel bao vây Iran thông qua các quốc gia Ả Rập dẫn tới việc gây ra một cuộc chiến giữa Tehran với cả UAE và Bahrain có điểm tương đồng hoàn toàn với kế hoạch thực thi các hành động khiêu khích kéo dài 9 năm, mà cuối cùng đã khiến Nga tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào nước láng giềng Ukraine vào tháng 2 năm nay.

Vào tháng 11 năm 2013, sau quyết định của Tổng thống Ukraine lúc đó là Viktor Yanukovych về việc đình chỉ một thỏa thuận thương mại với EU để theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, đã dẫn tới cuộc cách mạng màu “Maidan 2014”, nhằm thay đổi chính quyền ở Kiev.

Phong trào được gọi là “Euromaidan” được triển khai theo trình tự là phế truất quyền lãnh đạo của Yanukovych và thay thế ông ta bằng Tổng thống thân phương Tây Petro Poroshenko - người sẽ lãnh đạo chính phủ liên minh gồm cả những thành viên cực hữu cuồng nhiệt thù địch với Moscow.

Thật vậy, sự thù địch chống Nga của chính quyền Kiev mới do Mỹ hậu thuẫn lên cao đến mức khu vực Donbass có đa số người Nga ở phía đông đất nước đã ly khai để thành lập các nước cộng hòa độc lập Donetsk và Lugansk vào tháng 4/2014, một tháng sau khi Bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, việc thành lập hai nước Cộng hòa thân Nga này đã châm ngòi cho một cuộc xung đột kéo dài gần 8 năm ở quốc gia Đông Âu, khi Kiev sử dụng các lực lượng bán quân phát xít mới như Tiểu đoàn Azov và Right Sector để thực hiện một chiến dịch thanh lọc sắc tộc chống lại cư dân Donbass.

Tuy nhiên, bất chấp các mô tả của truyền thông phương Tây về “sự xâm lược của Nga”, Moscow đã tìm cách giải quyết cuộc xung đột ở Donbass thông qua biện pháp hòa bình, cụ thể là các Hiệp định ở Minsk - thỏa thuận hòa giải trao cho cả vùng một mức độ tự trị cao hơn, trong khi vẫn nằm dưới sự lãnh đạo của Kiev.

Với 14.000 người chết trong cuộc xung đột Donbass, NATO đã không tôn trọng thỏa thuận thời hậu Chiến tranh Lạnh về việc “NATO không mở rộng về phía đông” và xác nhận sau đó rằng, các phòng thí nghiệm do Mỹ tài trợ đang phát triển vũ khí sinh học ở Ukraine.

Cuối cùng, Moscow đã bị buộc phải tiến hành một chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm nay nhằm loại bỏ các phần tử tân Quốc xã và phá hủy bất kỳ cơ sở hạ tầng quân sự nào mà NATO sẽ sử dụng để chống Nga, nếu Kiev trở thành thành viên khối này.

Đây chính là những điểm tương đồng với Iran và các quốc gia vùng Vịnh láng giềng là UAE và Bahrain, khi cả hai nước đã chính thức hóa các liên kết ngoại giao với Tel Aviv thông qua Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian vào tháng 9/2020.

Được ca ngợi là một “thỏa thuận hòa bình” của chính quyền Donald Trump (mặc dù Israel, UAE và Bahrain chưa bao giờ thực sự xảy ra chiến tranh), nhưng thỏa thuận này có hiệu lực 8 tháng sau khi Mỹ gần như gây ra một cuộc “Chiến tranh vùng Vịnh mới” với vụ ám sát chỉ huy Lực lượng Quds Iran Qasem Soleimani trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Vụ ám sát này được nhiều nhà quan sát địa-chính trị coi là một phương tiện để kiềm chế Iran trong khu vực, một mục tiêu trong chính sách đối ngoại lâu nay được cả Washington và Tel Aviv đồng thuận.

Bất chấp mối quan hệ giữa Israel và cả hai quốc gia Ả rập vùng Vịnh ban đầu bắt đầu trên cơ sở ngoại giao thuần túy, việc các hệ thống radar của Israel sẽ được chuyển đến cả UAE và Bahrain đã đánh dấu một bước đi nguy hiểm mới.

Một kịch bản rất dễ xảy ra là cơ sở hạ tầng quân sự của Israel ở UAE và Bahrain, thậm chí là của chính hai quốc gia này - rất dễ bị Iran tấn công, thậm chí là cả các mục tiêu ở Israel. Những tình huống này rất có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột khu vực lớn, một cuộc xung đột có thể vươn xa ra ngoài Vịnh Ba Tư.