Iran chấp thuận “hàng đền bù” cho S-300 từ Nga trong tháng tới?

ANTĐ - Ngày 28-6, phó tư lệnh Hạm đội Caspian của Nga cho biết, hải quân 2 nước Nga và Iran có kế hoạch sẽ tổ chức các cuộc diễn tập hải quân chung tại biển Caspian trong nửa cuối năm nay.

Phó tư lệnh Nikolai Yakubovsky đã đưa ra công bố này, sau cuộc hội đàm với tư lệnh một cụm tàu tên lửa điều khiển của Iran đang có chuyến thăm cảng Astrakhan của Nga.

Các đại diện hải quân Iran đã rất vui mừng chào đón cơ hội để tham gia cuộc diễn tập chung với Nga, nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về kế hoạch tổ chức diễn tập.

Trước đó, ngày 26-6, phó tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn Đô đốc Siavash Jarreh, cho biết, một hạm đội gồm 2 tàu chiến của Hải quân Iran đã đến thăm thành phố cảng Astrakhan của Nga trong một động thái nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

“Hai tàu tên lửa, được các chuyên gia Iran sản xuất và gia nhập hải quân vào năm 2003 và 2006, đã lần đầu tiên được phái đến thăm cảng Astrakhan của Nga theo đội hình cụm hải quân,” ông cho biết.

Năm 2009, Nga và Iran đã lần đầu tiên tổ chức cuộc diễn tập hải quân chung tại Biển Caspian, với sự tham gia của khoảng 30 tàu chiến của cả 2 nước.

Hệ thống phòng không S-300 của Nga 

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tư lệnh Hạm đội Caspian, Đô đốc Sergey Alekminsky, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Ekho Moskvy rằng, hải quân 2 nước sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai.

Các cuộc diễn tập của hải quân 2 nước sẽ diễn ra bình thường trong khi Iran và Nga vẫn đang vướng vào những rắc rối xung quanh hợp đồng trị giá 800 triệu USD mua 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1 mà 2 nước đã ký cuối năm 2007.

Tuy nhiên, vào tháng 9-2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng này theo Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cấm cung cấp cho Iran các loại vũ khí thông thường, bao gồm các hệ thống tên lửa, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Thế nhưng, Iran luôn cho rằng hệ thống tên lửa đất đối không S-300 không chịu sự ràng buộc của các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc bởi vì chúng là vũ khí phòng thủ và cương quyết không chấp thuận đề nghị của Nga dùng các hệ thống phòng không Tor  để thay thế.

Tháng 4/2011, Bộ Quốc phòng và Tổ chức công nghiệp hàng không Iran đã nộp đơn kiện Rosoboronexport phải bồi thường 4 tỷ USD lên một tòa án trọng tài quốc tế tại Geneva. Theo các quan chức Iran, Tehran sẽ chỉ rút đơn kiện này nếu Nga thực hiện hợp đồng ban đầu mà 2 nước ký kết.

Tàu hộ vệ tên lửa Joshan của hải quân Iran

Đại sứ Iran tại Nga Seyed Mahmoud-Reza Sajjadi cho biết, Iran đã phát triển một hệ thống phòng thủ quốc gia, "và trong khuôn khổ hệ thống đó thì hệ thống phòng không Tor không thể đáp ứng được các chức năng của S-300." Vì vậy, cuối tháng 5 vừa qua Nga đã đưa ra đề nghị thứ 2 là thay thế bằng Antey 2500.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tên lửa Antey 2500 hay còn có tên khác là S-300VM (NATO định danh là SA-23 Gladiator) là biến thể cải tiến của S-300V nhằm mục đích phòng thủ chống tên lửa đạn đạo. Nó có thể tiêu diệt đồng thời 24 máy bay trong vòng 200km hoặc đánh chặn 16 tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới tầm trung.

Đây sẽ là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Ahmadinejad và Tổng thống Putin trong khuộn khổ chuyến thăm của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tới Moscow vào ngày 1/7. Với những biểu hiện đầy thiện ý “xích lại gần nhau” giữa 2 nước trong hợp tác quốc phòng thì đề nghị của Nga hoàn toàn có thể được chấp thuận trong chuyến thăm này.