Interpol cảnh báo toàn cầu về bẫy “việc nhẹ lương cao”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về xu hướng gia tăng tệ nạn buôn người quy mô lớn liên quan đến lừa đảo việc làm.
Tiền sảnh trụ sở của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) tại Pháp

Tiền sảnh trụ sở của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) tại Pháp

Theo đó, nạn nhân thường bị dụ dỗ bởi các quảng cáo giả mạo việc làm đơn giản, nhẹ nhàng với mức lương cao. Sau khi sập bẫy, họ bị bắt cóc và buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo tài chính. Interpol trong thông cáo báo chí ngày 7-6 nhấn mạnh, các nghiên cứu mới cho thấy cách thức hoạt động này đang tăng nhanh chóng và lên đến quy mô toàn cầu. Interpol đã ban hành cảnh báo màu cam với các thành viên của tổ chức, biểu thị cho mối đe dọa nghiêm trọng, nhãn tiền đối với an toàn công cộng.

Các trung tâm lừa đảo thường tập trung tại Campuchia trong khi điểm nóng buôn người đã được phát hiện tại Lào, Myanmar và 4 quốc gia châu Á khác Interpol không nêu tên cụ thể. Interpol bổ sung rằng cách thức hoạt động này cũng được sao chép tại những khu vực khác như Tây Phi, nơi tội phạm tài chính trên mạng vốn đã thịnh hành.

Theo Interpol, thông tin về hình thức tội phạm này xuất hiện đầu tiên vào năm 2021. Các tổ chức tội phạm đăng tin tuyển dụng việc làm hấp dẫn lên mạng xã hội cùng các trang tìm kiếm việc làm. Chúng sau đó bắt cóc nạn nhân và buộc họ làm việc trong điều kiện tồi tệ. Họ bị đánh đập, tra tấn và buộc phải thực hiện hành vi phạm tội, chủ yếu là trên mạng như lừa đảo đầu tư, tình cảm, đánh bạc trực tuyến, đầu tư tiền kỹ thuật số trực tuyến… Dịch Covid-19 khiến hình thức này trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều người thất nghiệp làm và cố gắng nắm bắt mọi cơ hội việc làm. Những “con mồi” mà chúng nhắm tới là người dân sống tại Bắc Mỹ, châu Âu và nhiều nơi thuộc châu Á.

Trong bài viết đăng tải ngày 2-6, CNN đã đưa ra một trường hợp điển hình trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Anh Raju Rai (32 tuổi) tại thành phố Varanasi (Ấn Độ) đã liên lạc với quảng cáo trên Facebook về công việc tư vấn kinh doanh ở Thái Lan. Anh sau đó bay đến Bangkok với hy vọng có thu nhập được tính bằng USD và gửi tiền về cho gia đình tại Ấn Độ. Nhưng mọi thứ không như Raju Rai tưởng tượng. Khi Raju Rai đặt chân đến Bangkok, một người tự nhận là đại diện của cơ quan tuyển dụng đã đưa anh trải qua hành trình 8 tiếng đồng hồ vào sâu trong Thái Lan và buộc anh lên thuyền đi qua biên giới đến Myanmar.

Rai bị đưa vào tòa nhà cũng có rất nhiều người Ấn Độ đang sống và làm việc. Hầu hết họ phải làm nhiệm vụ lừa đảo người giàu có ở phương Tây. Họ không được rời tòa nhà và có thể bị đánh hoặc tra tấn nếu không đạt được chỉ tiêu hàng ngày. Sau khi gửi lời kêu cứu đến giới chức Ấn Độ, Rai cùng nhiều người khác đã được giải cứu.

Interpol cũng cảnh báo rằng sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI) cùng các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT đã bị lợi dụng khiến hình thức lừa đảo trở nên tinh vi hơn.

Để giải quyết mối đe dọa này, Interpol đang kêu gọi trao đổi thông tin tình báo nhiều hơn giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tình báo tài chính và các công ty thuộc khu vực tư nhân có liên quan để hỗ trợ giải cứu các nạn nhân buôn người và phá bỏ các hoạt động rửa tiền tạo điều kiện cho hình thức phạm tội này.