[Info] "Quái điểu" MiG-29K lao xuống đất bốc cháy, thiệt hại kép cho cả Nga và Ấn Độ

ANTD.VN - Một chiếc tiêm kích hạm MiG-29K của Ấn Độ bốc cháy và lao xuống đất khi huấn luyện vào ngày 16-11 vừa qua. Từng được kỳ vọng là đối thủ của tiêm kích hạm F/A-18E/F của Mỹ, nhưng những tai nạn liên tiếp khiến cho dòng tiêm kích hạm do Nga sản xuất này bị ảnh hưởng trên thị trường xuất khẩu.

Mọi chuyện đang diễn ra bình thường thì bất ngờ sự cố phát sinh ở phần động cơ khi lửa và khói bắt đầu bốc lên. Ngay sau đó chiếc máy bay mất lái và lao nhanh xuống khu vực gần một nhà thờ ở làng Verna, bang Goa.

Toàn bộ hình ảnh đã được người dân ghi lại. Rất may, kíp lái gồm 2 người đã kịp thời bật ghế phóng và thoát ra ngoài an toàn. Cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn đáng tiếc nói trên.

Được biết, đây là lần thứ 2 kể từ tháng 8-2019 đến nay, tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ xảy ra sự cố khi bay huấn luyện. Trước đó hôm 8-8, thùng nhiên liệu phụ trên chiếc tiêm kích MiG-29K của Hải quân Ấn Độ đã rơi xuống đường băng và bốc cháy.

Quan chức quản lý sân bay Goa cho biết: "Đây là những thùng nhiên liệu gắn thêm vào máy bay để giúp chúng bay khoảng cách xa hơn. Một thùng được gắn vào chiếc MiG-29K đã bị văng khỏi máy bay trong đợt xuất kích và rơi xuống đường băng".

Vụ việc đã tạo nên vụ cháy cực lớn khiến người ta liên tưởng đến một vụ không kích vào sân bay. Ngay khi sự cố xảy ra, lính cứu hỏa được điều động khống chế đám cháy. Lính Hải quân Ấn Độ cũng nhanh chóng đến hiện trường để dọn nhiên liệu khỏi đường băng.

Máy bay MiG-29

Máy bay MiG-29

MiG-29K (NATO định danh: Fulcrum-D) là tiêm kích đa năng dành cho tàu sân bay do phòng thiết kế Mikoyan phát triển vào cuối thập niên 1970. Nó được xây dựng trên nền tảng tiêm kích đa nhiệm MiG-29M. Mikoyan gọi phiên bản MiG-29K là máy bay thế hệ 4++, tương đương với Su-35S của Sukhoi.

MiG-29K được tích hợp kênh điều khiển tên lửa không đối không RVV-AE, cùng nhiều loại tên lửa chống hạm và diệt radar. Máy bay có thể sử dụng hàng loạt vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao như Kh-29 hay KAB-500.

Hiện trường vụ tai nạn

Hiện trường vụ tai nạn

Máy bay được ứng dụng nhiều công nghệ làm giảm khả năng phát hiện của đối phương. Việc sử dụng sơn hấp thụ radar khiến tiết diện phản xạ radar của MiG-29K thấp hơn 4-5 lần so với phiên bản MiG-29 gốc. Động cơ RD-33MK cũng được cải tiến, giúp hạn chế độ bộc lộ hồng ngoại của máy bay. Kết hợp với thiết bị tác chiến điện tử và vũ khí tầm xa, khả năng sống sót trong chiến đấu của MiG-29K là rất cao.

Hải quân Ấn Độ đã nhận tổng cộng 45 chiến đấu cơ MiG-29K/KUB từ Nga theo 2 hợp đồng ký vào năm 2004 và 2010. Những chiếc máy bay này được trang bị cho phi đoàn 300 và 303 thuộc lực lượng Không quân Hải quân Ấn Độ đóng ở căn cứ Hansa ở Goa. Tuy vậy cho đến nay, Ấn Độ đã mất 2 MiG-29K/KUB do tai nạn.