Indonesia triệt phá "đội quân" tung tin giả kích động chống Chính phủ

ANTD.VN - Cảnh sát ở Indonesia mới đây đã phát hiện một mạng lưới chuyên lan truyền trên mạng Internet những tin tức giả mạo nhằm kích động chia rẽ và chống Chính phủ. 14 cá nhân đã bị bắt giữ và đây là đường dây thứ hai bị triệt phá khiến nhà chức trách Indonesia thêm lo ngại về nguy cơ phá hoại của loại tội phạm mới này.

Cảnh sát Indonesia vẫn chưa tìm ra kẻ đứng đằng sau mạng lưới chuyên lan truyền trên mạng Internet những tin tức giả mạo

Sau một loạt vụ bắt giữ những tuần gần đây, nhà chức trách Indonesia đã tiết lộ về hoạt động của một mạng lưới tin tặc tự xưng là “Đội quân mạng Hồi giáo” (MCA). Mạng lưới này chuyên truyền bá tin tức giả mạo và mang tính thù hận để kích động sự chia rẽ tôn giáo và sắc tộc cũng như lan truyền nội dung bôi nhọ lãnh đạo Indonesia. 

“Vũ khí”: Tài khoản “ảo”, lập trình làm lây lan virus máy tính 

 Indonesia là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông nhất thế giới, cùng với lượng người dùng mạng xã hội Facebook và Twitter lớn thứ năm toàn cầu. Bởi thế, không khó hiểu khi tôn giáo và chủng tộc luôn là vấn đề căng thẳng và có những thế lực phá hoại ngầm từ bên trong. 

Từ cuộc điều tra của tờ Guardian, nhà chức trách đã lần theo dấu vết của MCA trên Twitter. Mạng lưới này vận hành thông qua một nhóm sử dụng ứng dụng tin nhắn miễn phí Whatsapp gọi là Family MCA. MCA rất biết cách thu hút tín đồ Hồi giáo, đơn cử như lan truyền các bài viết nói về cuộc bức hại người Hồi giáo ở Myanmar và Palestine hoặc ủng hộ những người Hồi giáo cứng rắn ở Indonesia. Qua điều tra, một bộ phận của MCA được giao nhiệm vụ thu thập, lưu trữ các nội dung để phổ biến, trong khi nhóm “bắn tỉa” chuyên tấn công các tài khoản và làm lây lan virus máy tính trên các thiết bị điện tử của đối thủ.

Các nhà chiến lược kỹ thuật số Indonesia mô tả sự bùng nổ của các chương trình lập trình sẵn và “đội quân” trên không gian mạng gần đây như “Đội quân mạng Hồi giáo” (MCA) giống như cuộc chiến tranh tâm lý trong “thời kỳ đen tối” của Internet.

Mạng lưới hoạt động từ tháng 7 đến tháng 11-2017 này vận hành trên các chương trình lập trình sẵn hay các tài khoản bán tự động. Các bài viết có cùng tính chất, cùng một văn bản được thiết lập chế độ lặp đi lặp lại hàng chục lần. Tất cả các tài khoản đều không rõ ràng, không có tên hoặc vị trí. Trong khi cư dân mạng dễ bị đẩy vào một xu hướng tin tức khi thông tin lặp đi lặp lại, mà không quan tâm tin tức phát ra từ các chương trình, tài khoản thực hay không. Điều này chứng tỏ MCA được lập ra nhằm vào mục đích bất chính và cũng chứng tỏ các mạng truyền thông xã hội, đặc biệt là Twitter có thể dễ dàng bị lợi dụng là như thế nào.

Mục tiêu là cuộc bầu cử 2019

Trong không khí cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 ngày càng nóng lên, MCA thường xuyên đưa ra các cuộc khảo sát có vấn đề. Ví dụ, các cuộc thăm dò thường đưa ra bức tranh về 2 ứng cử viên dự kiến, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo và chính trị gia Prabowo Subianto. Dưới đó là nút bầu chọn cho ông Prabowo hay ông Widodo. Kết quả được “tweet” lại bởi hàng nghìn tài khoản và chương trình giả mạo, tùy theo ứng viên mà họ ủng hộ. 

Các nhà phân tích tin rằng MCA là một mạng lưới rộng lớn có nhiều bên liên quan, có chung quan điểm và mục tiêu là lật đổ Tổng thống. Ông Damar Juniarto, thuộc Tổ chức SAFEnet (Mạng lưới Tự do Tôn giáo Đông Nam Á) đã nghiên cứu MCA nhận định: “Tôi thấy có 4 cụm MCA. Mỗi cụm có một chương trình nghị sự riêng nhưng chúng được phối hợp theo nhóm, với những tài khoản có tới cả 100.000 người theo dõi”. Cảnh sát cho đến nay vẫn chưa tìm ra người đứng đằng sau mạng lưới này, nhưng chắc chắn là người có ảnh hưởng về tài chính và chính trị.

Ông Shafiq Pontoh, thuộc Công ty Tư vấn Dữ liệu Provetic cho biết, Twitter nói riêng đã trở thành một trận chiến khốc liệt. Nạn nhân đầu tiên chính là cựu Thống đốc Jakarta, Basuki “Ahok” Tjahaja Purnama - người năm ngoái bị tống giam vì những lời buộc tội báng bổ gây tranh cãi. “Đó đều là tin giả mạo, chiến dịch “đen”, thành kiến và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, chuyên gia Shafiq Pontoh nói. Thực tế, chiến dịch chống ông Basuki 'Ahok' Tjahaja Purnama trên mạng đột nhiên dừng chỉ 2 ngày sau cuộc bầu cử năm ngoái và im lặng từ đó.

Trước cuộc bầu cử năm 2019, không ít người lo ngại các mạng xã hội sẽ ngày càng trở thành công cụ và vũ khí cho những ý đồ đen tối. Ngay cả sau những vụ bắt giữ gần đây, ông Damar Juniarto tin rằng sự xuất hiện các mạng lưới khác chỉ là vấn đề thời gian.