"Cuộc chiến" khốc liệt của nhóm hacker Iraq với IS trên mặt trận ảo

ANTD.VN - Một nhóm 6 người Iraq đang chiến đấu chống phá Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không phải ở nơi tiền tuyến mà là trên mặt trận “ảo”. Cụ thể, họ xâm nhập vào kênh truyền thông của IS trên mạng Internet, làm cho phiến quân rối loạn bởi… tin “vịt” và thông báo giả.

Nhóm này chọn tên gọi là “Daeshgram” - ghép chung của từ IS bằng tiếng Ả-rập và Instagram. 4 thành viên trong số họ làm trong ngành công nghệ thông tin và an ninh mạng, một là kỹ sư, còn lại là sinh viên. Tất cả đều sống tại Iraq nhưng gia đình và bạn bè của họ hầu như không biết gì về “cuộc chiến” mà họ tham gia âm thầm nhưng cũng đầy khốc liệt.

"Cuộc chiến" khốc liệt của nhóm hacker Iraq với IS trên mặt trận ảo ảnh 1Mục tiêu của nhóm tin tặc là tung tin tức giả mạo làm cho IS bất hòa, ngờ vực lẫn nhau

Xâm nhập qua cộng đồng mạng

Nada và Ahmed là hai thành viên sáng lập nhóm Daeshgram khoảng 1 năm trước. Nada cho biết: “IS vẫn là một mối đe dọa cho Iraq, Syria, thậm chí cả thế giới. Chúng tôi bắt đầu suy nghĩ làm sao có thể bắt gặp các phiến quân đang lên mạng. Thực tế, IS rất mạnh khi tuyên truyền trên Telegram, vì vậy chúng tôi cũng muốn chiến đấu với chúng trên đó”.

Trong khi mạng xã hội như Twitter và Facebook bắt đầu kiểm soát chặt chẽ các tài liệu mang tính cực đoan, các tin nhắn được mã hóa bằng ứng dụng Telegram trở thành phương tiện kết nối mới giữa các thành viên của IS trên toàn cầu. Telegram là một ứng dụng chat thịnh hành trên nền tảng web và trên smartphone, trong đó người dùng có thể tạo nhóm chat với 200 người cùng lúc.

Đầu tiên, nhóm của Nada xâm nhập các kênh Telegram của IS. “Chúng tôi đã dành hàng tháng quan sát và giả vờ là thành viên IS. Chúng tôi đã nghiên cứu cách cư xử, các loại ngôn ngữ mà chúng sử dụng và cố gắng lưu ý các quy tắc bất thành văn”, chị Nada kể.

Một trong những nỗ lực đầu tiên của Daeshgram là họ photoshop một cảnh khiêu dâm vào hình ảnh công bố việc mở một trung tâm truyền thông mới ở Wilyat  Al-Khayar, một khu vực tương quan với Deir az-Zour ở miền Đông Syria. “Nó cho IS biết rằng chúng tôi có khả năng tái tạo phương tiện truyền thông của chúng và đó là hạt giống đầu tiên của sự nghi ngờ”, chị Nada giải thích. Tuy nhiên, họ sớm nhận ra rằng cần phải tạo ra các sản phẩm mà các phần tử IS chia sẻ rộng rãi và có độ tin cậy cao, khi đó tin tức giả mạo sẽ làm cho chúng bấn loạn.

Mục tiêu là gây bất hòa nội bộ trong IS

Vài tháng trước, nhóm phát đi một video cảnh báo như thật rằng Amaq, nguồn cung cấp thông tin chính thức của IS đã bị tin tặc tấn công. Tin tức này là giả mạo nhưng nhà kiểm duyệt Telegram thông báo tới mọi thành viên. Tương tự, lan truyền tin đồn rằng Đài phát thanh Al-Bayan của IS đã bị phá hủy trong một cuộc không kích, nhóm Daeshgram tung ra một đoạn băng thu âm mang phong cách của Al-Bayan, trong đó “bịa” về số liệu thiệt hại của IS trên chiến trường, số tay súng IS đang cung cấp thông tin cho các chính phủ phương Tây. Đoạn băng này đã được tải về mà không cần hỏi tới gần 800 lần. Nhóm cũng tạo ra một kênh tin tức Al-Adnani giả, mà đỉnh cao là quy tụ khoảng 500 thành viên, kiểm soát được toàn bộ những gì được chia sẻ giữa các thành viên. 

Tuy nhiên, IS phần nào đoán ra  chúng đã bị hacker tấn công. Nhóm Daeshgram thường tụ tập vào cuối tuần hay sau giờ làm việc và họ không ít lần  nhận được lời dọa giết trên Twitter và Telegram từ IS như: “Chúng ta sẽ tìm ra mày và sẽ giết mày”. Ahmed nói thêm: “Đó là một phần hoạt động của nhóm, phải chấp nhận thôi. Nhưng chúng tôi là những chuyên gia công nghệ thông tin và cực kỳ nghiêm túc trong vấn đề an ninh mạng”.

Nhưng IS không chỉ là mối nguy hiểm duy nhất. Do đã nhúng sâu vào hoạt động trực tuyến của các phần tử thánh chiến, họ cũng lo ngại rằng nếu bị cơ quan chức trách phát hiện, họ sẽ rất khó giải thích về hoạt động của Daeshgram. “Tôi không chắc liệu cả những đơn vị chống khủng bố có hiểu về những gì chúng tôi đã làm hay không, vì vậy chúng tôi phải rất thận trọng với sự an toàn của mình”, Ahmed nói.

Với các hacker người Iraq này, giảm số lượng tài khoản Telegram, tức chặn thành viên IS liên lạc với nhau không phải là mục tiêu của họ. “Mục tiêu của chúng tôi là gây bất hòa, mất đoàn kết, tạo ra sự nhầm lẫn và làm suy yếu độ tin cậy của Amaq trong số những người ủng hộ IS, đặc biệt là trong cộng đồng nói tiếng Ả-rập”, anh Ahmed khẳng định.