Indonesia mua tiêm kích F-15EX, Rafale: Do sợ bị Mỹ trừng phạt giống Thổ Nhĩ Kỳ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Indonesia quyết định mua tiêm kích F-15EX Mỹ và Rafale của Pháp thay vì Su-35 Nga. Nguyên nhân được các chuyên gia địa chính trị chỉ ra, đó là nước này e ngại bị Mỹ trừng phạt như vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400.

Indonesia liên tiếp mua chiến đấu cơ Mỹ, Pháp

Mới đây, trang The Diplomat của Nhật Bản đưa tin, Nhà Trắng đã thông qua thỏa thuận trị giá 13,9 tỷ USD với Indonesia để bán 36 máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II cùng các phụ tùng và vũ khí.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, đây là thỏa thuận này cần thiết cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. đồng thời gọi Indonesia là một đối tác khu vực quan trọng “là người bảo đảm cho sự ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”.

Người đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, điều quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ là giúp Indonesia phát triển và duy trì khả năng tự vệ mạnh mẽ và hiệu quả.

Được biết, máy bay chiến đấu hai động cơ F-15 do công ty McDonnell Douglas phát triển vào những năm 1970 và thuộc thế hệ máy bay chiến đấu thứ tư.

F-15 có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 2,5 và bay ở độ cao tới 20 km. Máy bay được trang bị 16 tên lửa có điều khiển cấp không đối không ở nhiều tầm bắn khác nhau, cũng như một khẩu pháo cỡ nòng 20mm với 940 viên đạn.

Trước F-15 của Mỹ, Indonesia cũng đã ký hợp đồng mua loại máy bay chiến đấu khác của châu Âu là tiêm kích thế hệ 4 Rafale của Pháp. Theo European Defense Review, hợp đồng cung cấp máy bay của Pháp đã được ký kết vào ngày 10/2 vừa qua.

Indonesia đã mua các chiến đấu cơ F-15EX và Rafale của hai tập đoàn Boeing và Dassault của Mỹ, Pháp
Indonesia đã mua các chiến đấu cơ F-15EX và Rafale của hai tập đoàn Boeing và Dassault của Mỹ, Pháp

Theo đó, Giám đốc điều hành Dassault Aviation Eric Trapier đã ký thỏa thuận bán 42 chiếc máy bay một động cơ này. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Dassault Aviation cũng sẽ đào tạo phi công, cung cấp thiết bị cho trung tâm đào tạo và tổ chức cơ sở hạ tầng của các căn cứ quân sự.

Theo giới phân tích, Indonesia rất ưa thích sử dụng máy bay chiến đấu của Nga. Không quân nước này đã sở hữu vài chục chiếc Su-27 và Su-30 nên muốn đồng bộ hóa trang bị vũ khí bằng chiến đấu cơ Nga nên đã hỏi mua Su-35S để nâng cấp sức mạnh không quân; tuy nhiên, nguyện vọng này đã không thành.

Liệu còn cơ hội cho Su-35 Nga?

Năm 2015, không quân Indonesia (IdAF) đã quyết định chọn mua Su-35S để thay thế cho các máy bay chiến đấu đã cũ của Mỹ thuộc dòng F-5E/F Tiger II đang trong biên chế của mình.

Đầu năm 2018, Nga và Indonesia đã ký hợp đồng cung cấp 11 chiếc máy bay chiến đấu tối tân nhất của không quân Nga và thế giới, theo kế hoạch sau một năm sẽ giao hàng.

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Indonesia vấp phải sức ép lớn từ một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã đe dọa ban hành lệnh trừng phạt nước này vì có giao dịch thương mại quân sự với Nga.

Indonesia mua F-15EX, Rafale trong khi đã sở hữu vài chục chiến đấu cơ Su-27 và Su-30MK2 của Nga
Indonesia mua F-15EX, Rafale trong khi đã sở hữu vài chục chiến đấu cơ Su-27 và Su-30MK2 của Nga

Đến tháng 10/2018, các nguồn tin từ Jakarta cho biết, việc giao hàng sẽ bị trì hoãn do lệnh trừng phạt của Washington.

Và sau sự kiện Mỹ cấm bán chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II cho Thổ Nhĩ Kỳ vì "dám" mua hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga, hợp đồng mua sắm chiến đấu cơ Nga đã bị hủy bỏ.

Ngoài ra, Jakarta còn từ chối mua một số tầu tuần tra hải quân của Trung Quốc trị giá 200 triệu USD.

Vào tháng 12/2021, Tham mưu trưởng Không quân Indonesia Fajar Prasetio nói rằng, lực lượng không quân nước này “buộc phải dằn lòng” từ bỏ Su-35S của Nga và đang xem xét các loại máy bay Boeing F-15EX Eagle II và Dassault Rafale để thay thế.

Theo ông Fajar Prasetio nói hôm 22/12/2021, không quân Indonesia phải dựa vào ngân sách trong việc tăng cường khả năng chiến đấu trên không. Vì những người chịu trách nhiệm về việc mua sắm không muốn mua Su-35, IdAF không thể tiếp tục thảo luận với Nga và phải chuyển sang mua máy bay khác.

Theo các chuyên gia quân sự, nếu Indonesia vẫn muốn mua Su-35S Nga mà không bị trừng phạt thì điều này vẫn có thể xảy ra, bởi hiện nay Mỹ đã tạm hài lòng sau khi Jakarta mua sắm số lượng lớn chiến đấu cơ phương Tây. Điều này đã từng xảy ra với tiền lệ của Ấn Độ.

Indonesia mua F-15EX, Rafale, khó có thể thống nhất sức mạnh không quân với Su-27, Su-30 và Su-35S Nga
Indonesia mua F-15EX, Rafale, khó có thể thống nhất sức mạnh không quân với Su-27, Su-30 và Su-35S Nga

Trước đây, Nhà Trắng cũng đã từng đe dọa sẽ trừng phạt Ấn Độ vì mua sắm các hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga nhưng sau khi New Dehli quyết định chi thêm hàng tỷ dollars để mua sắm một gói vũ khí lớn của Mỹ thì Washington cũng đã chấp thuận điều này.

Được biết, bên cạnh Nga, Ấn Độ cũng là khách hàng mua vũ khí lớn của Mỹ. Các lực lượng vũ trang nước này đã chi vài chục tỷ USD ký hàng loạt hợp đồng khủng để mua sắm trang bị, vũ khí Mỹ, bao gồm vài chục chiếc máy bay vận tải Boeing C-17 và C-130J; 18 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune (phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon); 30 UAV tấn công MQ-9B Predator, 22 chiếc trực thăng tấn công Apache AH-64E và 15 chiếc CH-47F Chinook.

Có thể nói rằng, việc cân bằng mua sắm giữa Moscow và Washington đã khiến New Dehli thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Indonesia hoàn toàn có thể đi theo con đường mà Ấn Độ đã lựa chọn.

Tuy nhiên, với số tiền hơn 20 tỷ USD đã chi để mua 78 chiến đấu cơ Pháp, Mỹ; trong thời gian hàng chục năm nữa, không quân nước này cũng khó có thể được cấp ngân sách để mua sắm thêm chiến đấu cơ mới.