Indonesia bắt lại được 2 trong số 4 kẻ vượt ngục ở Bali

ANTD.VN - 2 trong số 4 người nước ngoài vượt ngục táo tợn khỏi nhà tù Kerobokan trên đảo Bali, Indonesia vừa bị bắt lại ở Đông Timor vào chiều 22-6. 

Miệng đường cống thoát nước mà 4 tù nhân sử dụng để vượt ngục ở Bali

Công dân Ấn Độ Sayed Muhammad Said, người đang chấp hành án phạt 14 năm tù về tội buôn lậu ma túy và công dân Bulgaria Dimitir Nikolon Ilev, chịu án 7 năm vì tội lừa đảo qua máy ATM đã bị bắt tại Thủ đô Dili của Đông Timor sau khi cảnh sát Indonesia mở cuộc truy tìm ráo riết và kêu gọi Interpol hỗ trợ. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của 2 tù nhân còn lại, công dân Australia Shaun Edward Davidson và công dân Malaysia Tee Kok King sau khi họ biến mất khỏi nhà tù Kerobokan từ sáng 19-6.

Thăm dò cống vì sợ tù nhân mắc kẹt bên trong

4 tù nhân được cho là đã vượt ngục bằng cống thoát nước đầy bùn, nối từ trong trại giam với lối ra của nó là miệng cống chỉ rộng 50 x 75cm, nằm trên con đường nhộn nhịp người qua lại ở Bali. Ngay sau đó, một số tang vật gồm xô, cốc, đèn pin dạng đeo trên đầu, dép và quần áo được tìm thấy bên trong đường hầm và khu vực xung quanh.

Điều khó hiểu là tù nhân trốn thoát bằng cách nào khi không phát hiện được vết đất bùn mới đào bới xung quanh miệng cống? Người dân xung quanh cũng không một ai thấy hiện tượng lạ là có 4 người bỗng dưng đội bùn chui lên.

Trong 3 ngày đầu tiên, lực lượng an ninh Indonesia đã ráo riết truy tìm nhưng không thấy bất cứ dấu vết nào của 4 kẻ đào tẩu. Điều này làm dư luận dấy lên nghi ngờ, có khả năng bọn họ bị mắc kẹt hoặc chết đuối bên trong. Ngày 21-6, nhà chức trách đã phải cử một người bò dọc theo đường hầm dài 13m từ trong nhà tù ra ngoài và theo chiều ngược lại để thăm dò. Lòng cống có đường kính khoảng 60cm, đủ để bò qua. Hiện đường cống này đã bị đổ xi măng kín.

Bất ngờ ở chỗ đường rãnh thoát này tồn tại đã lâu mà ban quản lý nhà tù dường như không biết về nó. Giám đốc trại giam Tonny Nainggolan thừa nhận, ông không biết có một đường hầm ở vị trí đó. “Tôi vẫn đi quanh khu vực này mỗi tuần một lần nhưng tôi không bao giờ kiểm tra vì không hề thấy nghi ngờ đó là một đường hầm. Tôi vẫn nghĩ đó là một bể phốt, bởi vì nó nằm ngay cạnh phòng vệ sinh của phòng khám”, ông Tonny Nainggolan trả lời với tờ news.com.au. 

Khó đảm bảo an ninh vì quá tải 

Cũng theo ông Nainggolan, tất cả 25 camera giám sát của trại giam đều làm việc vào thời điểm đó nhưng máy quay bao quát khu vực phụ cận không tập trung vào đường hầm. Đường hầm dẫn đến con đường nhộn nhịp ngay dưới một tháp canh. Tuy nhiên, thời điểm đó, tháp canh đã không còn hoạt động. Lý do được ông Nainggolan giải thích là do trại giam thiếu nhân viên trong khi công suất đã quá tải.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc, chỉ có 10 nhân viên an ninh làm nhiệm vụ giám sát 1.378 tù nhân (trong khi công suất thiết kế là 323 tù nhân) và vì thế họ không có đủ nhân viên bảo vệ để kiểm soát tất cả tháp điều khiển. Ông Nainggolan nói rằng, gần đây ông đã đề xuất tăng cường thêm 200 nhân viên nhưng không nhận được phản hồi.

Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch vượt ngục này đã được lên chi tiết như thế nào. Các tù nhân bị bắt lại sẽ phải đối mặt với cáo buộc mới là phá hoại tài sản nhà tù, tuy nhiên, theo luật pháp của Indonesia, án phạt tù sẽ không bị tăng thêm. Trước đó, cảnh sát đã kêu gọi tù nhân vượt ngục đầu hàng. Cảnh sát trưởng Badung, ông Yudith Hananta nói: “Nếu họ cố tình chống lại cảnh sát, chúng tôi sẽ có hành động cứng rắn theo luật pháp quy định, bao gồm cả nổ súng”.

Đáng chú ý, trong số 2 tù nhân còn biệt tăm tích, công dân Australia Davidson chỉ còn 10 tuần nữa là mãn hạn 1 năm tù về tội sử dụng hộ chiếu của người khác. Tuy nhiên, đối tượng này cũng đang phải đối mặt với cáo buộc phạm tội về ma túy ở Australia do đã bỏ trốn ra nước ngoài sau khi bị truy tố hồi năm 2015.