IMF hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 xuống 5,8% sau khi đánh giá lại nhu cầu của thế giới và các chính sách tài chính.
Các chuyên gia dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Chia sẻ tại diễn đàn nhịp đập kinh tế Việt Nam 2022: “Tiếp tục phục hồi kinh tế- Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra hôm nay (22-11), ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào nhận định, với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 tăng lên từ mức 6 lên 7-7,5 phần trăm.

“Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%”- đại diện IMF nói.

Theo ông Painchaud, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào chính sách tiền tệ ổn định giá cả; Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng; Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.

Nhìn nhận về khả năng tăng trưởng của Việt Nam, ông Jonathan Pincus- Chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP cho rằng, trưởng xuất khẩu vẫn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Tăng xuất khẩu có nghĩa là sản xuất hàng hóa “cạnh tranh”, nhưng cũng có nghĩa là sản xuất hàng hóa và dịch vụ “xu hướng” đang có tỷ trọng hàng hóa trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới ngày càng tăng.

Hàng hóa “xu hướng” thường là hàng hóa được sản xuất tinh vi, đồng thời cũng là những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến. Hàm ý chính sách là chính phủ có thể sử dụng đầu tư công, giáo dục và thông tin để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu sản xuất hàng hóa và dịch vụ “xu hướng” cho xuất khẩu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, cuối năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đều dự báo năm 2022 ngành dệt may sẽ tăng trưởng rất tốt và trên thực tế đúng như vậy đến giữa năm nay, nhưng sau đó một số doanh nghiệp dần thiếu đơn hàng.

“Tình hình sẽ khó khăn hơn trong năm 2023 sắp tới vì hiện tại có những đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng đã phải dừng hoãn vì hàng tồn kho lớn. Chính vì vậy để giảm thiểu áp lực cho các doanh nghiệp dệt may đặc biệt là các doanh nghiệp may xuất khẩu, các chính sách về tỷ giá và lãi suất phải có tiên liệu, dự báo được cho doanh nghiệp”- ông Thân Đức Việt nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Dự báo Việt Nam vẫn sẽ cố gắng duy trì mục tiêu ổn định lãi suất và tỷ giá, giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng.