Hợp tác giáo dục là điểm nhấn trong quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hợp tác giáo dục là một trong những ưu tiên được chính phủ Việt Nam và Mỹ hết sức coi trọng. Lĩnh vực này đang góp phần tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Bằng chứng về sự phát triển nhanh chóng của quan hệ Việt - Mỹ

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Đại học Virginia, bang Virginia, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng đã có bài phát biểu trước các giáo sư và sinh viên của trường, trong đó nhấn mạnh hợp tác giáo dục là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cũng có buổi làm việc với các giáo sư Đại học Virginia để trao đổi về các cơ hội thúc đẩy hơn nữa hợp tác giáo dục giữa Đại học Virginia và các cơ sở giáo dục của Việt Nam, nhất là các chương trình hợp tác đào tạo và trao đổi sinh viên giữa hai nước. Các giáo sư tại Đại học Virginia đánh giá cao và rất hài lòng với các sinh viên Việt Nam. Họ thấy các sinh viên Việt Nam qua đây không những học giỏi, chăm chỉ mà còn rất năng động, một phẩm chất rất cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu.

Các sinh viên Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học ở Mỹ

Các sinh viên Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học ở Mỹ

Tại cuộc tiếp Đại sứ Mỹ hồi tháng 6-2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến dài sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, có nhiều hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Mỹ và xác định Mỹ là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...

Một trong những bằng chứng cho thấy sự phát triển nhanh chóng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ là kết quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Ngay từ trước khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, Chương trình Fulbright đã được thành lập tại Việt Nam vào năm 1992. Đây chính là một trong hai chương trình hợp tác duy nhất trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ, cùng với chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích. Nó cho thấy hợp tác giáo dục Việt - Mỹ đã phát triển rất sớm.

Ở Mỹ có 4.500 trường đại học và cao đẳng, tạo cơ hội học tập phong phú cho sinh viên Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á về số lượng sinh viên theo học tại Mỹ. 70% số lượng sinh viên theo học tại Mỹ tham gia các ngành học như khoa học, kinh tế, toán học, kỹ sư và quản lý… Mỹ là nước tiếp cận khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới, là môi trường đào tạo lý tưởng cho các sinh viên, để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khi trở về Việt Nam.

Chính phủ Mỹ có khoảng 30 chương trình trao đổi học tập với Việt Nam, do Văn phòng Giáo dục Mỹ và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) phối hợp cùng các đối tác Việt Nam tổ chức thực hiện. Các chương trình hợp tác Mỹ - Việt có quy mô khác nhau, từ những chương trình lớn cung cấp cơ hội học bổng cho du học sinh Việt Nam hoàn thành bằng cử nhân tại Mỹ cho đến các trại hè ngắn hạn về khoa học kỹ thuật.

Hợp tác trong phát triển việc dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hợp tác này. Chương trình Học bổng tiếng Anh với tên gọi Access của Bộ Ngoại giao Mỹ đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2009. Đây là chương trình với mục tiêu cung cấp cơ hội học tiếng Anh sau giờ học chính khóa và trong dịp hè đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở độ tuổi từ 14-16. Chương trình cũng cho các em cơ hội hiểu thêm về các giá trị văn hóa Mỹ, giúp các em có khả năng hội nhập tốt hơn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời tạo cơ hội tham gia các chương trình giao lưu và nhận học bổng của chính phủ Mỹ trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, nhiều đoàn học sinh và giáo viên Mỹ cũng tham gia những chương trình trao đổi tại Việt Nam. Trong các chuyến đi này, các thành viên của đoàn trao đổi Mỹ có cơ hội trau dồi tiếng Việt và học hỏi văn hóa cũng như hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Nhiều hợp tác cụ thể đã được thực hiện

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một trong những nhiệm vụ mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Mỹ là nước tiếp cận khoa học - công nghệ hàng đầu thế giới, có khả năng triển khai các ý tưởng công nghệ ra thành sản phẩm rất nhanh. Vì thế, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục với Mỹ sẽ góp phần vào việc giải quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Việt Nam mong muốn Mỹ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học (đào tạo, nghiên cứu, kiểm định chất lượng) và giảng dạy tiếng Anh; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học nổi tiếng mở phân hiệu hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ tăng cường hợp tác đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục; quan tâm đến các du học sinh Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Mỹ.

Trên thực tế, nhiều hợp tác cụ thể đã được thực hiện. Năm ngoái, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Thông qua bản ghi nhớ, USAID sẽ hỗ trợ Bộ Giáo dục - Đào tạo một dự án mới để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp nhằm rà soát và cải thiện các chính sách về giáo dục đại học. Cải thiện các chính sách sẽ giúp thúc đẩy tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế liên tục của Việt Nam.

Còn theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, thông qua USAID, Chính phủ Mỹ đã chính thức khởi động dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học, viết tắt là PHER. Đây là dự án có ngân sách 14,2 triệu USD, do USAID tài trợ không hoàn lại. Dự án kéo dài trong 5 năm, từ 2022 - 2026, nhằm giúp 3 đại học lớn hàng đầu Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Đà Nẵng cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, để 3 đại học này trở thành các hình mẫu của nền giáo dục đại học hiện đại tại Việt Nam.

Ông Marc Knapper cũng cho biết, Mỹ mong muốn tạo ra chương trình du học tại Việt Nam và phổ biến hơn chương trình này, để sinh viên Mỹ biết nhiều hơn và mong muốn tới Việt Nam học tập. Phía Mỹ đã trao đổi với các trường đại học để có những chương trình đào tạo bằng tiếng Anh không chỉ cho sinh viên Mỹ mà cả sinh viên các nước khác muốn đến Việt Nam học tập. Đánh giá ngày càng có nhiều trường đại học ở Việt Nam có chương trình liên kết với những trường đại học nước ngoài, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết sẽ làm việc với các trường, bộ ban ngành để làm sao tối giản nhất thủ tục cấp thị thực cho sinh viên Mỹ sang Việt Nam học.