Hợp tác để kiềm chế

(ANTĐ) - Với rất nhiều nhà quan sát, đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang diễn ra tại Washington có thể coi là “cuộc thử sức” giữa học thuyết “quyền lực mềm” của Trung Quốc với chính sách “ngoại giao khôn ngoan” của Mỹ.

Hợp tác để kiềm chế

(ANTĐ) - Với rất nhiều nhà quan sát, đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang diễn ra tại Washington có thể coi là “cuộc thử sức” giữa học thuyết “quyền lực mềm” của Trung Quốc với chính sách “ngoại giao khôn ngoan” của Mỹ.

Kinh tế bùng nổ đưa Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt của mỹ
Kinh tế bùng nổ đưa Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh gay gắt của mỹ

Vòng một của cuộc đối thoại, được tổ chức trong hai ngày 27 và 28-7, là sự “hồi sinh” trong khuôn khổ mở rộng cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế giữa hai nước, do cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ H.Paulson khởi xướng. Cơ chế mới này do Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ B.Obama đề xuất trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại London (Anh) hồi tháng 4 vừa qua. Theo chương trình nghị sự, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn và Bộ trưởng Tài chính Mỹ T. Geithner cùng chủ trì hội nghị đối thoại kinh tế. Hội nghị đối thoại chiến lược do ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng chủ trì.

Quan hệ Mỹ - Trung đã phát triển khá thuận lợi dưới thời chính quyền của ông W.Bush. Trong 8 năm mà hai nước đã có 19 cuộc gặp thượng đỉnh, 5 cuộc đối thoại chiến lược cấp Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tài chính, 10 cuộc đối thoại quân sự cấp thứ trưởng. Thế nhưng, sự thân thiện đó vẫn không đủ sức tách hai nước khỏi những vụ va chạm, đấu khẩu và xua đi bầu không khí nghi kỵ cứ ngày thêm tích tụ.

Bởi vì quan hệ Mỹ - Trung là sự kết hợp đầy phức tạp giữa hợp tác và cạnh tranh. Với đà tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đang dần lộ rõ sức mạnh đáng nể của mình, từng bước thách thức vị trí siêu cường của Mỹ. Nhưng cuộc đua Washington - Bắc Kinh cũng không thể tách khỏi thực tế là “Công xưởng thế giới” - Trung Quốc sẽ tạm ngừng hoạt động nếu như không có thị trường với sức mua lớn nhất thế giới là Mỹ, và ngược lại, “người khổng lồ” Mỹ sẽ lập tức cảm thấy đuối hơi nếu không có hơn 800 tỷ USD là số tiền mà Trung Quốc bỏ ra mua các trái phiếu kho bạc Mỹ, khoản đặt cọc được coi là lớn nhất từ bên ngoài đưa vào nền kinh tế Mỹ.

Sự phụ thuộc Mỹ - Trung đã mang tính cộng sinh. Chính vì thế, không bất ngờ khi mục tiêu trước hết của cuộc đối thoại tại Washington lần này là củng cố thêm niềm tin chiến lược giữa hai nước, thúc đẩy bình đẳng, quan tâm đến lợi ích cơ bản của mỗi bên. Thế giới sẽ theo sát xem chính quyền B.Obama xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc trên cơ sở của chủ nghĩa thực dụng và liên kết đa chiều mà Nhà Trắng mới đưa ra như thế nào, hay chính sách của Bắc Kinh với Mỹ sẽ là “vừa hợp tác vừa kiềm chế” hay “hợp tác để kiềm chế”.

Đi vào cụ thể, về kinh tế, Bắc Kinh hy vọng hội nghị sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán về hiệp định bảo hộ đầu tư song phương Trung - Mỹ, đồng thời muốn nhận được cam kết từ phía Mỹ thực hiện chính sách kinh tế có trách nhiệm để duy trì sự ổn định của đồng USD, cũng như đảm bảo sự an toàn các tài sản của Trung Quốc tại Mỹ. Tại cuộc đối thoại về vấn đề chiến lược, hai bên tập trung thảo luận các vấn đề như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, triển vọng nối lại đàm phán sáu bên nhằm tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên…

Tóm lại, đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung là cơ hội tuyệt vời để thế giới chứng kiến học thuyết “quyền lực mềm” của Trung Quốc đối chọi với “ngoại giao khôn ngoan” của Mỹ như thế nào.                     

Hoàng Sơn