Hồng Kông "dậy sóng" vì 5 nhân viên nhà xuất bản mất tích bí ẩn

ANTĐ - Một cuộc điều tra của chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) về sự biến mất bí ẩn của 5 nhân viên xuất bản sách đã khiến nhiều người ở đây lo lắng cho tương lai của ngành xuất bản loại sách bán chạy ở Hồng Kông và Đài Loan, nhưng lại bị cấm đưa vào Đại lục.

Hồng Kông "dậy sóng" vì 5 nhân viên nhà xuất bản mất tích bí ẩn ảnh 1

Người dân biểu tình vì phẫn nộ trước sự mất tích đáng ngờ của một số nhân viên xuất bản

Ngành xuất bản sách đặc biệt

Theo kênh truyền hình CNN của Mỹ, nhiều năm qua, một số hiệu sách và nhà xuất bản ở Hồng Kông đã tung ra thị trường những loại sách bị cấm đưa vào Đại lục. Paul Tang, chủ sở hữu Hiệu sách Nhân dân (People’s Bookstore) nằm ở vị trí nhìn ra khu thương mại Vịnh Causeway của Hồng Kông cho biết, những cuốn sách này viết về chủ đề “nhạy cảm” liên quan tới chính trị, tôn giáo và tình dục. 50% sách trong cửa hàng của ông không được phép nhập cảnh vào Đại lục. 

Trang bìa của những quyển sách này thường in chân dung một số nhân vật cấp cao hay quan chức “ngã ngựa” của Trung Quốc. Với các tựa đề như “Tin đồn và sự thật về giới chức Trung Quốc” hay “Bí mật thương mại giữa người giàu có và một số quan chức”, nhiều quyển sách nêu ra những bí mật không rõ nguồn gốc thông tin hoặc tin đồn về các nhân vật hàng đầu của Đại lục.

Ông Paul Tang cho biết, năm 2002, ông mở hiệu sách, nhưng việc kinh doanh khó khăn vì số người muốn đọc những quyển sách bình thường ở Hồng Kông quá ít. 2 năm sau, ông quyết định thay đổi mô hình kinh doanh thành quán cà phê sách và bắt đầu bán một số cuốn sách được cho là phi pháp ở Đại lục, nhưng không bị cấm tại Hồng Kông. 

Năm 1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc với một giao ước đảm bảo quyền tự chủ mà qua đó Hồng Kông được áp dụng luật lệ riêng bao gồm cả quyền tự do xuất bản sách. Kết quả là giới chức, các thương gia và sinh viên Đại lục tò mò với những vấn đề “nhạy cảm” chính trị đã đổ xô đến các hiệu sách ở Hồng Kông để tìm mua.

Hầu hết khách hàng phải giấu những quyển sách cấm khi đi từ Hồng Kông về Đại lục. Tuy nhiên, không ít cuốn sách vẫn bị hải quan tịch thu khi đến các sân bay ở Đại lục.

Tương lai bất ổn

Cũng theo ông Tang, tại Hồng Kông, Mighty Current là nhà xuất bản chuyên về loại sách chính trị có nội dung giật gân. 4 người, gồm nhân viên và giám đốc điều hành của Mighty Current được báo cáo mất tích từ cuối tháng 11-2015. Và ngay đầu năm nay, ngày 1-1-2016, vợ của ông Lee Bo (biên tập viên tại nhà xuất bản Mighty Current và là cổ đông lớn tại nhà sách Causeway Bay ở Hồng Kông) đã nộp đơn báo ông Lee Bo mất tích lên cơ quan cảnh sát Hồng Kông. Tuy nhiên, 3 ngày sau, vợ ông rút lại đơn, giới chức cho biết ông Lee đã gửi thư cho vợ nói rằng mình vẫn an toàn. 

Tờ Telegraph của Anh cho biết, sự biến mất của nhóm nhân viên nhà xuất bản này có thể do liên quan tới kế hoạch “ra lò” một cuốn sách về đời sống tình cảm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Tại Hồng Kông, nổi lên đồn đoán rằng, những nhân viên Mighty Current bỗng nhiên biến mất có thể do họ đã xuất bản sách chỉ trích chính quyền Đại lục. Gia đình ông Paul Tang, chủ sở hữu Hiệu sách Nhân dân, cũng lo lắng về tương lai của cửa hàng mình trong bối cảnh này. Kênh CNN bình luận, sự việc này thúc giục người đứng đầu đặc khu hành chính này cần tái khẳng định “tự do báo chí, tự do xuất bản và tự do ngôn luận được bảo vệ bởi pháp luật của Hồng Kông”.

Dù 5 nhân viên nhà xuất bản Mighty Current bị mất tích, nhưng các cuốn sách “nhạy cảm” ở Hồng Kông vẫn thu hút nhiều khách hàng từ Đại lục. Trong số những độc giả của cửa hàng sách Nhân dân, có một người đã nghỉ hưu đến từ Quý Dương - thành phố phía nam của Trung Quốc. Người đàn ông đề nghị không nêu tên này cho biết, đang tìm kiếm những quyển sách về lịch sử Trung Quốc - loại không có ở Đại lục.