Hội đồng châu Âu sẽ kiểm tra các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN -Hội đồng châu Âu sẽ cử một phái đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra điều kiện của các nhà tù ở đất nước này, sau khi có những báo cáo cáo buộc đối xử tàn bạo những người bị bắt trong cuộc đảo chính quân sự thất bại hôm 15-7 vừa qua.

Hội đồng châu Âu sẽ kiểm tra các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ  ảnh 1

Điều kiện của tù nhân trong các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính

Kati Piri - thành viên nghị viện châu Âu, đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước cho biết, các thành viên của Ủy ban châu Âu về ngăn chặn tra tấn (CPT) sẽ được xâm nhập các nhà tù tại Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm tra và đánh giá điều kiện ở đây.

Hoạt động này được đưa ra sau khi có những báo cáo cáo cáo buộc các tù nhân - những người được cho là dính líu đến cuộc đảo chính bất thành xảy ra hôm tối 15-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị hãm hiếp, bỏ đói, thậm chí còn bị đánh đập dã man.

Trước đó,Tổ chức ân xá quốc tế (AI) nói là có "bằng chứng đáng tin cậy" cho thấy những người bị bắt giữ đang phải chịu sự ngược đãi "đáng báo động".

Theo AI, các tù nhân bị từ chối cung cấp thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế, bị chửi mắng, đe dọa, đánh đập, tra tấn, thậm chí còn bị hãm hiếp và tấn công tình dục.

AI còn nhấn mạnh đến những màn tra tấn tồi tệ nhất dành cho các sĩ quan quân đội cấp cao bị bắt.

Cứ 3 ngày 1 lần, các tù nhân mới có thức ăn, và 2 ngày 1 lần, những người này mới có nước uống. Một số tù nhân đã bế tắc cùng cực, thậm chí nhiều người cố tự tử. 

Được biết, AI đã có được những thông tin trên từ các luật sư riêng, bác sĩ và những người đang làm việc tại những nơi giam giữ.

Theo AI, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Hội đồng châu Âu, nên nước này phải cho CPT đến quan sát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện giam giữ người.

Kati Piri, một thành viên của đảng Lao động Hà Lan nói: "Tôi rất lo lắng cho số phận của những người bị bắt giữ. Có vẻ như họ đang bị đối xử như những kẻ khủng bố".

Vụ đảo chính ngày 15-7 ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 290 người thiệt mạng và 2.000 người khác bị thương, dẫn đến chiến dịch thanh trừng quy mô lớn và việc ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng.

Cho đến nay, tổng cộng 40.029 người đã bị bắt, khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực cố "quét sạch những con virus phá hoại" từ bên trong biên giới.