Nhân viên Hàng không Trung Quốc:

Học võ để đề phòng khách “manh động”

ANTĐ - Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và hiện đã trở thành thị trường hàng không lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ lại không theo kịp sự “bành trướng” của ngành này. Tình trạng chậm giờ bay thường xuyên khiến hành khách bức xúc, thậm chí còn dẫn đến ẩu đả tại sân bay.

Hơn 7.000 hành khách ở sân bay Trường Thủy (Côn Minh) bị mắc kẹt tại sân bay bức xúc

Chậm nhiều vì diễn tập quân sự

Gần đây, phóng viên người Mỹ của kênh CNN Steven Jiang đã có bài viết kể lại trải nghiệm “khó quên” khi di chuyển bằng máy bay của hàng không Trung Quốc. Chuyến bay CZ3547 của Hãng hàng không China Southern Airlines từ Quảng Châu đến Thượng Hải theo dự định cất cánh 19h, nhưng sau 2 lần ổn định vị trí, hành khách đã lỉnh kỉnh xách hành lý quay lại khu nhà chờ khi được thông báo hủy chuyến với lý do thời tiết xấu. Một thanh niên không nén nổi bực dọc đã hét vào mặt nhân viên sân bay rằng, họ là kẻ lừa đảo. Anh ta vô cùng bức xúc trước tình cảnh vạ vật của nhiều người già, trẻ nhỏ do phải chờ đợi quá lâu. Steven Jiang là một trong số những người khách đen đủi bị hủy chuyến đó. Một chuyến bay khác đã được sắp xếp cho họ dự kiến cất cánh lúc 20h, nhưng cũng bị trì hoãn tới 7 tiếng đồng hồ.

Danh tiếng ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc đang suy giảm trong mắt hành khách bởi các sân bay lớn ở nước này thi nhau tranh chấp ngôi vị “sân bay có nhiều chuyến chậm nhất trên thế giới”, nhà báo Mỹ Steven Jiang bình luận trong bài viết đăng trên trang CNN. Ông cũng cho biết, không quân Trung Quốc kiểm soát 80% không phận ngày càng quá tải của nước này, 20% còn lại để hãng hàng không thương mại khai thác. Hồi cuối tháng 7, những đợt diễn tập quân sự trên không của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã khiến hàng trăm chuyến bay ở khu vực phía đông nước này bị hủy hoặc hoãn bay vài ngày. Thông báo thường được phi hành đoàn đưa ra để giải thích cho tình trạng hủy, hoãn chuyến là “hạn chế không lưu” – cụm từ mơ hồ nhưng thời gian gần đây hành khách đã ngầm hiểu là: diễn tập quân sự. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 27-7 vẫn khẳng định các hoạt động quân sự “tác động rất ít” đến ngành hàng không và thời tiết mới là nguyên nhân chính. 

Giáo sư họ Ngô, nghiên cứu về hàng không thuộc trường Đại học South Wales, Australia dẫn ra một trường hợp chậm chuyến “kỳ quặc” mà ông là nạn nhân khi “phi công thông báo là do nguyên nhân thời tiết, nhưng bên ngoài trời nắng chang chang”.

Nữ tiếp viên tương lai luyện tập các thế võ Vịnh Xuân Quyền

Vịnh Xuân Quyền lên ngôi

Tháng 8-2013, gần 50 hành khách tại sân bay ở thành phố Nam Xương (tỉnh Giang Tây) đã xô ngã nhân viên an ninh, xông thẳng ra đường băng ngăn cản hoạt động của máy bay sau 7 tiếng đồng hồ chờ đợi vật vờ. Đầu năm nay, các hành khách tại sân bay ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) cũng lao vào đập phá quầy hướng dẫn do bị hoãn chuyến vì tuyết rơi dày đặc. Một bức ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, nhân viên an ninh ở sân bay đã cố gắng trấn an những hành khách giận dữ. Trong khi đó, có trang mạng đưa tin, hành khách phải ngồi lên hành lý do ghế ngồi ở phòng chờ không đủ, còn nhân viên sân bay tỏ thái độ thờ ơ với họ. Mới đây, tại sân bay ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) đã xảy ra ẩu đả. Do ảnh hưởng của cơn bão Matmo nên ngày 25-7, nhiều chuyến bay đã bị hoãn hoặc hủy. Thời gian chờ đợi dài, lại không có thông tin chính xác về giờ cất cánh nên hành khách đã xung đột với nhân viên sân bay. 

Theo một báo cáo về tình hình không lưu ở các khu vực trên thế giới, tỷ lệ cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Trung Quốc thấp nhất toàn cầu. Riêng tháng 1-2013, sân bay quốc tế Bắc Kinh dẫn đầu nạn chậm chuyến, tỷ lệ bay đúng giờ chỉ có 29%. Vấn đề chậm chuyến bay còn xảy ra tại sân bay ở các thành phố khác như Quảng Châu, Côn Minh, Nam Kinh, Thành Đô và Urumqi. 

Để giải quyết xung đột giữa hành khách và nhân viên của hãng hàng không, tháng 6 năm nay, Vịnh Xuân quyền - môn võ phù hợp với không gian hẹp - đã được đưa vào như một môn học bắt buộc ở trường Hướng nghiệp Hàng không dân sự Tây Nam Tứ Xuyên (Trung Quốc). Việc học võ của tiếp viên hàng không nhằm đối phó với hành khách có hành vi quá khích, khi mỗi tuần trung bình tiếp viên hàng không Trung Quốc phải đối phó với 3 vụ quậy phá. Trước đó, các tiếp viên của hãng Hồng Kông Airlines cũng được huấn luyện Vịnh Xuân quyền nhằm nâng cao trí lực và thể lực phục vụ hành khách. Tuy nhiên, tờ Telegraph dẫn lời các lãnh đạo của hãng này cho biết lớp tập quyền được tổ chức là vì họ chán ngấy việc nhân viên của hãng bị ném đồ đạc hay gặp hành khách hành hung do chậm chuyến bay. Bên cạnh đó, Cục hàng không dân dụng Trung Quốc mới đây đã ban hành một dự thảo quy định các hãng hàng không sẽ phải chịu trách nhiệm mỗi lần sai giờ bay tùy từng trường hợp và mỗi tình huống xung đột nhân viên phải làm việc theo phương châm “chuyến bay có thể trễ, nhưng phục vụ không thể chậm”.