Học phí lái xe tăng đẩy chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh trong tháng 9 |
Tổng cục Thống kê cho biết, việc một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2023 tăng 1,08% so với tháng trước.
Trong đó, riêng chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,21% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.
Phân tích kỹ hơn về ảnh hưởng của nhóm hàng này tới CPI, Tổng cục Thống kê cho biết, qua 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 5, 11 và 21 tháng 9, giá xăng đã tăng 3,54% so với tháng trước; giá dầu diezel tăng 5,96%.
Trong khi đó, phí học bằng lái xe cũng tăng 1,81%. Ngoài ra, giá dịch vụ trông giữ xe, giá bảo dưỡng phương tiện đi lại đều tăng do chi phí nhân công tăng.
So với tháng 12-2022, chỉ số giá nhóm giao thông trong tháng 9 đã tăng 6,14%, trong đó giá xăng dầu tăng 14,53% do từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh 27 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.440 đồng/lít; xăng E5 tăng 4.220 đồng/lít và dầu diezen tăng 1.990 đồng/lít.
Tháng 9 cũng ghi nhận nhóm giáo dục tăng giá trung bình 8,06% so với tháng trước. Trong đó dịch vụ giáo dục tăng 8,99% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Một số trường đại học công lập, dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để đảm bảo thu chi thường xuyên.
Cụ thể tại Thái Bình, học phí tăng 48,81%; Quảng Ninh tăng 39,15%; Hà Nội tăng 37,59%; Hòa Bình tăng 32,15%; Lâm Đồng tăng 30,21%; Trà Vinh tăng 19,43%; Quảng Bình tăng 18,67%...
Bên cạnh đó, giá văn phòng phẩm tháng 9-2023 tăng 1,26% so với tháng trước, trong đó giá sách giáo khoa tăng 2,24%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,72%; giá bút viết các loại tăng 0,54%; giá văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,35%.
Tính chung lại, nhóm giáo dục tháng 9-2023 tăng 5,11% so với tháng 12-2022 do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,88% chủ yếu do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,66% do giá lương thực tăng 9,17% chủ yếu do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo thế giới; thực phẩm tăng 1,33%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,28%.
Cơ quan thống kê dự báo, năm nay, mục tiêu lạm phát dưới 4% vẫn có khả năng đạt được. Dù vậy, các Bộ, ngành, địa phương vẫn cần lưu ý một số yếu tố có thể khiến lạm phát tăng.
Đó là việc tăng lương cơ bản thêm 20% từ ngày 1-7-2023 có thể giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát; giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu do lượng gạo xuất khẩu của thế giới giảm cùng với các đơn hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng.
Thiên tai và dịch bệnh diễn ra có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng.
Ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Do đó, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Tổng cục Thống kê cũng lưu ý hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế…