Giá xăng dầu, giá gạo kéo CPI tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước, chủ yếu do tác động từ việc tăng giá xăng dầu và giá gạo. Mức tăng này chỉ thấp hơn tháng 1 và tháng 2 đầu năm nay do thời điểm này là Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2023.
Giá gạo trong nước đã tăng theo giá thế giới

Giá gạo trong nước đã tăng theo giá thế giới

Sáng 29-8, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 8 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Tám tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%. Bình quân 8 tháng năm2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.

Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tháng này tăng mạnh là do tác động từ các đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ hôm 11-7 và giá gạo tăng trước những biến động lớn của thị trường gạo thế giới.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8-2023 tăng 0,78% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,26 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 3,28%, tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,48%, tác động tăng 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,47%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.

Trong nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41% (Gạo tẻ thường tăng 4,94%; gạo tẻ ngon tăng 3,09% và gạo nếp tăng 1,24%).

Giá gạo trong nước tăng cao theo giá gạo xuất khẩu do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga, UAE, xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp.

Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.000-16.700 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 19.000-22.500 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm từ 19.500-20.900 đồng/kg; giá gạo nếp từ 25.500-34.800 đồng/kg.

Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như: giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mỳ tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.

Còn đối với nhóm giao thông, chỉ số giá nhóm này trong tháng 8-2023 tăng 3,85% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,37điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá nhóm giao thông tăng là do ảnh hưởng của 3 đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước vào ngày 1-8, 11-8 và 21-8 làm cho giá xăng tăng 9,85% so với tháng trước; giá dầu diezel tăng 15,9%.

Kéo theo đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,79% so với tháng trước, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 15,71%; đường sắt tăng 3,58%; đường bộ tăng 0,68%; vé xe buýt tăng 0,53%; taxi tăng 0,1%.

Giá xe đạp, xe máy, xe ô tô mới tiếp tục tăng lần lượt 0,42%;0,12% và 0,16% do thiếu nguồn cung linh kiện, phụ tùng.

Đáng chú ý, trong tháng 8, giá nhà thuê, giá điện, nước sinh hoạt đều tăng khiến CPI tháng này có mức tăng chỉ sau 2 tháng Tết, là tháng 1 và tháng 2 năm nay.