Hòa bình Trung Đông sau "quả bom" Jerusalem của Mỹ

ANTD.VN - Quyết định gây sốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đang làm dấy lên lo ngại có thể đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông. 

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv được lực lượng an ninh Israel canh gác cẩn mật sẽ được chuyển về Jerusalem sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận thành phố này là Thủ đô của Israel

Trong cuộc họp báo tổ chức ngày 6-12 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này một khi công tác chuẩn bị hoàn tất. Tổng thống Donald Trump còn nhấn mạnh thêm rằng, đây là thời điểm thích hợp để chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, đồng thời chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ “bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem” - một quá trình mà theo giới chức Nhà Trắng, có thể sẽ được hoàn tất trong vòng 3 năm.  

Dù Tổng thống Donald Trump khi tranh cử đã cam kết công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, song việc ông chính thức đưa ra quyết định này khi trở thành chủ nhân của Nhà Trắng vẫn gây ra cú sốc lớn, tạo hiệu ứng như nổ một “quả bom tấn” vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Quyết định này đã đảo ngược hoàn toàn chính sách của nước Mỹ cũng như rất nhiều đời Tổng thống Mỹ trước đó đối với vấn đề Trung Đông, trong đó có tiến trình hòa bình Trung Đông mà Washington là một trong những nhà bảo trợ chính.

Chủ quyền tại Jerusalem - nơi đặt các điểm tôn giáo linh thiêng đối với cả Hồi giáo, Do Thái giáo và Cơ đốc giáo - lâu nay là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine cũng như hòa bình Trung Đông. Thành phố cổ có hơn 2.000 năm tuổi này vốn được xem như là thánh địa, vùng đất thiêng với cả người Do Thái và người Hồi giáo. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, thành phố phức tạp và nhạy cảm về tranh chấp chủ quyền và tôn giáo được Liên hợp quốc trực tiếp quản lý. 

Kể từ khi Nhà nước Israel thành lập năm 1948, Jerusalem chia tách thành hai phần: phía Tây do Nhà nước non trẻ Israel quản lý và xem như là Thủ đô của mình, phía Đông do Jordan quản lý. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng toàn bộ Jerusalem và tuyên bố lấy thành phố này là Thủ đô, bất chấp sự phản đối và phản kháng dữ dội của người Palestin cũng như cộng đồng quốc tế.

Suốt gần 70 năm qua, tranh chấp chủ quyền Jerusalem giữa Israel và Palestine luôn là một ngòi nổ nguy hiểm kích hoạt các cơn bùng phát khủng hoảng và xung đột tại Trung Đông. Tiến trình hòa bình Trung Đông được khởi động từ Hiệp ước Hòa bình Oslo lịch sử năm 1993 với mục tiêu mang lại hòa bình bền vững cho “điểm nóng” Trung Đông trong suốt hơn 15 năm qua cũng đã rất nhiều lần “trật bánh” bởi khác biệt quan điểm như “nước với lửa” của Israel và Palestine trong vấn đề chủ quyền đối với Jerusalem.

Bởi thế, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, ngoài duy nhất Israel lên tiếng hoan nghênh, đã vấp phải phản đối mạnh mẽ của quốc tế, đặc biệt là Palestine. Dư luận chung cho rằng quyết định của Washington là một bước đi phá hoại tất cả các nỗ lực hòa bình Trung Đông, có thể đặt dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông; đồng thời lo ngại về hậu quả nguy hiểm từ phía các lực lượng Palestine xưa nay chống đối quyết liệt Israel như Hamas.  

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông báo cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc này sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp trong ngày 8-12 để thảo luận về quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 6-12 tuyên bố, vấn đề quy chế với Jerusalem phải được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa hai Nhà nước Israel và Palestinian và không có giải pháp nào thay thế được điều này.