- Lãnh đạo tình báo Romania bị đình chỉ công tác
- Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Văn hóa
- Chống tham nhũng - cuộc chiến không hồi kết ở Trung Quốc
Ngày 26-8-2016, tờ SCMP đăng tin độc quyền cho biết, tướng Vương Kiến Bình bị các nhân viên cơ quan Ủy ban kiểm tra kỷ luật Quân ủy Trung ương bắt đi trước đó 1 ngày khi đang đi thị sát ở Thành Đô. Vợ ông này và thư ký của ông cũng bị bắt giữ cùng ngày tại Bắc Kinh. Cũng trong ngày 25-8, Đảng Cộng sản Trung Quốc cam kết đẩy mạnh đà chống tham nhũng nhằm “làm sạch môi trường chính trị nội bộ đảng” trong năm tới. Cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày hôm đó được thực hiện dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tối 27-10-2016, Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) đã dành 29 phút trong chương trình thời sự đưa tin về Hội nghị Trung ương 6 khóa 18. Ống kính lướt qua toàn bộ 25 Ủy viên Bộ Chính trị và 197 Ủy viên Trung ương nhưng không thấy Thượng tướng Vương Kiến Bình.
Vụ “đả hổ” lớn nhất năm 2016
Với thông báo chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Vương trở thành tướng quân đội đương chức đầu tiên của nước này sa lưới kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội vào năm 2013. Tuy tội nhận hối lộ của vị tướng lĩnh hàng đầu này chưa được công bố cụ thể, nhưng trong thời gian ông giữ chức Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, hầu như mọi công trình xây dựng cơ bản của lực lượng này đều giao cho con trai ông nhận thầu. Ước tính con trai ông Bình có tổng số tài sản lên tới 2 tỷ NDT.
Ông Vương Kiến Bình sinh tháng 12-1953, quê tỉnh Hà Bắc, nhập ngũ năm 1969 vào quân đoàn pháo binh số 40, từng giữ các chức Trung đoàn trưởng pháo binh, Tham mưu trưởng lữ đoàn rồi Lữ đoàn trưởng pháo binh. Năm 1992, ông Vương Kiến Bình được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng sư đoàn 120 thuộc tập đoàn quân 40; sau đó chuyển sang lực lượng Cảnh sát vũ trang, là một bộ phận của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc - PLA).
"Hổ lớn" Vương Kiến Bình là Thượng tướng đương chức đầu tiên của quân đội Trung Quốc bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng của Bắc Kinh năm 2016
Năm 2009, ông Vương Kiến Bình giữ chức Tư lệnh Cảnh sát vũ trang. Tháng 7-2012, ông được phong hàm Thượng tướng. Trong thời gian này, ông Vương Kiến Bình chịu sự quản lý trực tiếp của ông Chu Vĩnh Khang.
Năm 2013, Cựu Bộ trưởng An ninh Chu Vĩnh Khang bị bắt và bị kết án tù chung thân vào năm ngoái. Một năm sau, ông Vương bất ngờ được điều chuyển sang Bộ Tổng tham mưu và trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Sau khi ông Tập Cận Bình tiến hành cải cách quân đội, tháng 1-2016, Thượng tướng Vương Kiến Bình được giao giữ chức Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy mới được thành lập.
Nhổ tận gốc mầm mống tham nhũng
Ngày 29-12, “Thời báo Hoàn cầu” khi đưa tin tức về vụ việc này cho biết, ông Vương Kiến Bình đã xác lập hai kỷ lục: là Thượng tướng tại ngũ đầu tiên và là “Hổ lớn quân đội” đầu tiên bị điều tra sau khi cải tổ quân đội. Tờ báo này viết: Tướng Vương Kiến Bình có liên quan chặt chẽ tới vụ án tham nhũng Chu Vĩnh Khang và câu kết với hai “thiết quốc đại đạo” (kẻ trộm lớn làm hại quốc gia) Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng tham ô, không làm tròn chức trách.
Ông Tập Cận Bình đã xác định chống tham nhũng trong quân đội là ưu tiên hàng đầu. Giới chức nước này cảnh báo, vấn đề tham nhũng đã trở nên nghiêm trọng đến mức có thể ảnh hưởng đến khả năng phát động chiến tranh trong bối cảnh Bắc Kinh ra sức phô trương sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Trước đó, Bộ Công an Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng, cần phải tăng cường các nỗ lực để nhổ tận gốc những “ảnh hưởng nguy hại” của “quan tham” Chu Vĩnh Khang - người bị kết án tù chung thân vì tội ăn hối lộ, tiết lộ bí mật Nhà nước và lạm dụng quyền lực.
Cũng trong ngày 28-12, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức hội nghị nghiên cứu triển khai công tác xây dựng tác phong liêm chính trong Đảng và chống tham nhũng. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng khẳng định quyết tâm đẩy lùi và kiềm chế sự gia tăng của tình trạng tham nhũng từ đó giúp cho người dân cảm nhận được hiệu quả thực tế của công tác quản lý Đảng nghiêm minh một cách toàn diện.