HNX công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo Danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/01/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp.

Theo danh sách này, có 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tính từ 16/9/2022 đến hết tháng 1/2023, chiếm phần lớn các các doanh nghiệp địa ốc.

Một số doanh nghiệp nổi bật về chậm trả nợ trái phiếu trong danh sách này là: Công ty CP Anh ngữ Apax, Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP Điện mặt trời Trung Nam, Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi, Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương tín, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Công ty CP Hưng Thịnh Incons, Công ty CP Hưng Thịnh Investment, Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn, Công ty CP Đầu tư LDG, Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty CP Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam…

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu doanh nghiệp được HNX công bố

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán trái phiếu doanh nghiệp được HNX công bố

Việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp trở nên trầm trọng hơn khi thị trường này “đóng băng” sau những sự kiện một số doanh nghiệp vi phạm (Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát), cùng với việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành. Nhiều doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu mới để đảo nợ dẫn đến không đủ khả năng thanh toán đúng hạn các lô trái phiếu cũ.

Theo ước tính của VNDirect, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ rất lớn trong 2 quý tới, 93.139 tỷ đồng trong quý 2 và 89.488 tỷ đồng trong quý 3.

Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý 4/2023 sẽ hạ nhiệt về 59.571 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ.

Trong số này, chiếm tỷ lệ lớn nhất là các doanh nghiệp bất động sản với 37,6%, tương đương 102.570 tỷ đồng.

Còn theo các chuyên gia FiinGroup, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu.

Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính nhận định, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình trạng pháp lý của nhiều dự án và tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.

Hiện Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP với nhiều quy định nới lỏng hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp như: cho phép gia hạn trái phiếu, thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản... Song theo các chuyên gia đây cũng chỉ là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nợ, đảo nợ.

Về lâu dài, thị trường cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như để doanh nghiệp phát hành và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hơn.

Hiện phần lớn trái phiếu trên thị trường đang được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có, hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.

Để trả nợ trái phiếu trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán với trái chủ gia hạn trái phiếu, chuyển trái phiếu thành gói vay với lãi suất mới, trả nợ bằng bất động sản, bán tài sản để trả nợ…

Mặc dù vậy, các chuyên gia FiinGroup cho rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, doanh nghiệp vẫn chỉ có thể duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn, bởi ngoài trả nợ cho trái chủ, doanh nghiệp còn phải trả nợ vay ngân hàng, trả nợ đối tác…