Hiểm họa từ tình trạng cho vay quá mức

ANTD.VN - Nguy cơ tái hiện cuộc khủng hoảng tài chính như hồi năm 2008 khiến Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) vừa phải đưa khuyến nghị rằng các nhà hoạch định chính sách và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước cần giám sát chặt chẽ các động thái trên thị trường tài chính nhằm ngăn chặn rủi ro cho vay.

Cho vay dễ dãi khiến Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ sau 158 năm tồn tại

Báo cáo ngày 25-6 của BIS cho thấy, đà phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm nay cùng với tình hình tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cải thiện tại hầu hết các nước có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phớt lờ những dấu hiệu về tình trạng cho vay quá mức có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. 

BIS cũng bày tỏ sự quan ngại rằng đà tăng giá mạnh của các thị trường cổ phiếu trong thời gian qua cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy nguy cơ cho vay quá mức có thể bị bỏ qua và sự hưng phấn của giới đầu tư trái ngược hoàn toàn với những phản ứng bi quan hồi năm ngoái trước những sự kiện chính trị như bầu cử Tổng thống Mỹ và việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU). 

Dưới góc độ chuyên môn, cho vay là hoạt động tín dụng bao gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của ngân hàng thương mại thực hiện trong hoạt động tín dụng này. Xét về bản chất và quan hệ kinh tế có thể nói cho vay là một nghiệp vụ tín dụng chiếm hơn 50% tổng tài sản có và có thu nhập từ cho vay chiếm từ 50% đến 80% tổng thu nhập của ngân hàng. 

Có điều là rủi ro trong hoạt động kinh doanh, mua bán có xu hướng tập trung chủ yếu vào danh mục cho vay của ngân hàng. Chính vì thế, nếu không kiểm soát được việc cho vay, hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ, dẫn tới suy thoái kinh tế. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bùng phát tại Mỹ và lan rộng toàn cầu, kéo theo sự sụp đổ đồng loạt của nhiều định chế tài chính khổng lồ, khiến thị trường chứng khoán khuynh đảo là ví dụ điển hình.

Nguyên nhân sâu xa của cơn địa chấn tài chính này bắt nguồn từ khủng hoảng tín dụng và nhà đất tại Mỹ. Cho vay dưới chuẩn tăng mạnh là khởi điểm cho quả bong bóng tại thị trường nhà đất. Các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản mà không quan tâm tới khả năng chi trả của khách. Dư nợ trong mảng này nhảy từ 160 tỷ USD của năm 2001 lên 540 tỷ USD vào năm 2004 và bùng nổ thành 1.300 tỷ USD vào năm 2007. 

Theo ước tính vào cuối quý III năm 2008, hơn một nửa giá trị thị trường nhà đất Mỹ là tiền đi vay với một phần ba các khoản này là nợ khó đòi. Hệ quả là cơn địa chấn tài chính bùng nổ khi hai nhà cho vay cầm cố khổng lồ của Mỹ là Freddie Mac và Fannie Mae buộc phải được Chính phủ tiếp quản để tránh khỏi nguy cơ phá sản.

Sự kiện này tiếp tục châm ngòi cho vụ đổ vỡ với những tên tuổi lớn khác như Ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 nước Mỹ Lehman Brothers sau 158 năm tồn tại đã tuyên bố phá sản. Đúng 10 ngày sau, Washington Mutual tạo nên vụ phá sản ngân hàng lớn nhất trong lịch sử với tổng tài sản thiệt hại lên tới 307 tỷ USD.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có những chuyển biến thuận lợi, dòng tiền dồi dào, nguy cơ rủi ro từ các hoạt động cho vay dễ dãi là điều mà các nhà kinh tế thế giới lo ngại. Nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra. Chẳng hạn, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh M. Carney cho rằng các nước cần áp dụng các quy định cứng rắn hơn để mang lại sự an toàn hơn cho các thị trường phái sinh cũng như đưa ngân hàng lâu nay hoạt động trong “bóng tối” trở lại hệ thống tài chính chính thống.

Chắc chắn chủ đề này sẽ còn được nhắc tới Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra tại Hamburg, Đức, trong hai tuần tới. Bài học quá khứ hồi năm 2008 là điều mà các nước phải đặc biệt quan tâm.