Hiểm họa chực chờ

ANTĐ - Việc trang cá nhân trên Facebook của Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili và trước đó là trang cá nhân trên Twitter của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra liên tiếp bị tấn công đã thêm một lần nữa cho thấy những hiểm họa chực chờ đối với các mạng xã hội.

Tổng thống Mỹ Obama tại trụ sở của Twitter

Trang cá nhân của Tổng thống Saakashvili trên trang mạng xã hội Facebook đã bị tin tặc dồn dập tấn công chiều 4-10 và không thể truy cập được trong nhiều tiếng. Cơ quan báo chí của Tổng thống Gruzia cho biết, vụ việc xảy ra sau khi trang cá nhân của Tổng thống Saakashvili trên Facebook nhận được hàng nghìn lời bình luận một lúc.

Trang cá nhân trên Facebook của ông Saakashvili bị tê liệt bởi hàng nghìn lời bình luận do virus máy tính tự động "nhân bản" gửi tới. Một số quan chức Hội đồng an ninh Gruzia không loại trừ khả năng vụ tấn công có liên quan tới chuyến thăm Gruzia ngày 7-10 tới của Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy, trong đó trang cá nhân của ông Saakashvili trên Facebook dự kiến chuyển tải trực tiếp buổi nói chuyện của ông Sarkozy với người dân Gruzia tại Quảng trường Tự do ở Thủ đô Tbilisi.

Trước đó 2 ngày, trang cá nhân trên mạng Twitter của tân Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cũng bị tấn công. Không bị tê liệt nhưng xem ra thiệt hại với nữ Thủ tướng Yingluck còn lớn hơn nhiều khi những kẻ tấn công đã dùng chính trang cá nhân của bà trên Twitter đưa ra những thông tin nói xấu, chỉ trích bà thiếu năng lực lãnh đạo...

Việc hai trang cá nhân của Tổng thống Gruzia và Thủ tướng Thái Lan bị tấn công chỉ là chuyện vô cùng bình thường trên các mạng xã hội Facebook, Twitter... Với lượng người truy cập lên tới hàng trăm triệu lượt mỗi ngày trên toàn cầu thì việc đảm bảo ngăn chặn mọi cuộc tấn công trên các mạng xã hội là chuyện không tưởng.

Biết lập các trang cá nhân trên Facebook, Twitter, YouTube... là phải chấp nhận đối mặt với việc bị tấn công bất cứ lúc nào song không phải vì thế mà số người đến với các mạng xã hội này sút giảm. Hãng nghiên cứu comScore vừa công bố kết quả khảo sát mới cho thấy, Facebook vẫn là mạng xã hội số 1 toàn cầu với 734,2 triệu người truy cập trong tháng 6-2011, Twitter đứng thứ hai với 144,4 triệu người...

Với rất nhiều người trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ, thì việc truy cập vào các mạng xã hội gần như là nhu cầu thiết yếu hằng ngày để chia sẻ, trao đổi... Cùng sự phát triển được ví như một sự bùng nổ, nhiều thông tin hay sự kiện quan trọng trên thế giới được lan truyền trên các mạng xã hội còn nhanh hơn cả các hãng tin hàng đầu thế giới.

Chính vì thế mà không chỉ người bình thường mà nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia trên thế giới đã lập trang cá nhân trên các mạng xã hội để giao lưu, đối thoại, chia sẻ với người dân hay cử tri của mình. Hiện Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medevdev đều đã có tài khoản trên mạng Twitter.

Hệ luỵ mà những vụ tấn công vào trang mạng cá nhân của nhà lãnh đạo tất nhiên phiền toái hơn rất nhiều so với thường dân. Cuối tháng 6 vừa qua, người phát ngôn của Tổng thống Medvedev đã phải lên tiếng cải chính rằng trang mạng nói xấu một chính trị gia chỉ là trang mạo danh nhà lãnh đạo này.