Lực lượng phòng không Syria có xứng là đối thủ của Mỹ (3)?

Hệ thống phòng không tầm gần Syria: Chỉ Pantsir-S1 là đáng nói

ANTĐ - Hiện Syria sở hữu rất nhiều hệ thống tên lửa phòng dã chiến và pháo phòng không tự hành của Liên Xô cũ nhưng đa số là đã cũ, chỉ có hệ thống 9K96 Pantsir-S1 (Nga: Панцирь-С1, NATO: SA-22 Greyhound) là thuộc dạng tiên tiến.

9K31 Strela-1 (Nga: 9К31 «Стрела-1»; NATO: Sa-9 Gaskin) là hệ thống phòng không tìm nhiệt hồng ngoại thế hệ thứ nhất của Liên Xô, 4 tên lửa 9M31 được lắp đặt trên khung gầm xe thiết giáp trinh sát BRDM-2, chủ yếu đảm nhận phòng không cấp tiểu đoàn. Hệ thống phòng không 9K31 Strela-1  bắt đầu được đưa vào trong biên chế lực lượng lục quân Liên Xô năm 1968.

Mỗi xe được trang bị 4 ống phóng sử dụng tên lửa phòng không dẫn bằng hồng ngoại  9M31, tầm bắn hiệu quả 4,2km, tầm cao 3km, biến thể nâng cấp sử dụng tên lửa 9K31M tầm bắn 5km, tầm cao 3,5km. SA-9 là sự bổ sung hỏa lực phòng không tầm thấp cho các loại pháo phòng không di động ZSU-23.

9K31 Strela-1 có tầm bắn chỉ khoảng 5km, về lí thuyết nó thuộc dạng “bắn - quên” nhưng vì nó sử dụng đầu dẫn hồng ngoại dùng chì lưu hóa không làm mát, nên khả năng chống nhiễu rất kém. Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của chiến tranh Trung Đông lần thứ 4, sự xuất hiện của 9K31 Strela-1 đã làm người Israel thất kinh.

Hệ thống phòng không tầm gần Syria: Chỉ Pantsir-S1 là đáng nói  ảnh 1

Hệ thống phòng không 9K31 Strela-1 sử dụng tên lửa 9M31 

Nhưng rất nhanh sau đó, các phi công Israel đã nhận ra rằng chỉ cần bay về phía mặt trời là có thể thoát khỏi nó. Ngoài ra Strela-1 cũng không có khả năng khắc chế tên lửa mồi bẫy hồng ngoại. Vì vậy, người Liên Xô đã nhanh chóng đưa ra hệ thống phòng không mới để khắc phục những điểm yếu này. Đó là 9K35 Strela-10.

9K35 Strela-10 (Nga: 9К35 «Стрела-10», NATO: SA-13 Gopher) là thế hệ tên lửa kế tiếp 9K31, bắt đầu được đưa vào biên chế quân đội Liên Xô năm 1980. Cũng giống như 9K31, 9K35 thuộc dạng tên lửa tìm nhiệt hồng ngoại, có tầm bắn 5km nhưng khả năng chống nhiễu được nâng lên 1 bậc, có khả năng tấn công máy bay có tốc độ dưới âm, tầm bay thấp rất tốt.

Hệ thống 9K35 Strela-10 sử dụng đạn tên lửa 9M37 (4 quả trên bệ sẵn sàng bắn và 8 đạn trong thiết bị nạp). Đạn tên lửa 9M37 dài 2,2m, nặng 40kg với đầu đạn nặng 3,5 kg. Tên lửa lắp động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ gần Mach 2, tầm bắn 500-5.000m, độ cao 10-3.500m. 

Trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, quân đội Nga đã sử dụng Strela-10 để đối phó với các loại máy bay chiến đấu của phiến quân Chechnya, nhưng do điều kiện khí hậu quá khắc nghiệt nên hiệu quả sử dụng không cao. Hiện quân chính phủ Syria có rất ít các hệ thống này, ước tính vào khoảng 50 hệ thống.

Hệ thống phòng không tầm gần Syria: Chỉ Pantsir-S1 là đáng nói  ảnh 2

Hệ thống phòng không 9K35 Strela-10

Loại vũ khí uy lực nhất và hiện đại nhất trong các hệ thống phòng không tầm gần, dã chiến của Syria hiện nay là hệ thống phòng không 9K96 Pantsir-S1 (Nga: Панцирь-С1, NATO: SA-22 Greyhound). Pantsir-S1 được Nga nghiên cứu, chế tạo với mục đích bảo vệ các mục tiêu trọng điểm như hệ thống phòng không S-400, các công trình quan trọng khỏi sự uy hiếp của các vũ khí tấn công ngoài khu vực phòng không như tên lửa hành trình, máy bay đột kích tầm thấp.

Trước khi nội chiến Syria bùng phát không lâu, vào năm 2009, Nga đã bàn giao các hệ thống này cho quân đội Syria. Pantsyr-S1 là tổ hợp phòng không tích hợp pháo phòng không tự động 30mm 2A72 (tầm bắn 3,2km), radar và tên lửa đối không 57E6-1. Loại tên lửa này có vận tốc 1300m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20km, trần bắn tối đa 15km. Các nhà sản xuất vũ khí Nga khẳng định hệ thống này có thể bắn hạ cả máy bay tàng hình, UAV tàng hình và tên lửa hành trình.

Điều trớ trêu là, sau khi Liên Xô giải thể, chương trình nghiên cứu, chế tạo Pantsir-S1 đình đốn do thiếu kinh phí, nó được hoàn tất như hiện nay chính nhờ nguồn vốn đầu tư của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, thế lực hiện đang chống lưng cho phe đối lập Syria. Có thể nói là, chính UAE đã dùng tiền của mình giúp Syria có một vũ khí lợi hại chống lại Mỹ và đồng minh.

Hệ thống phòng không tầm gần Syria: Chỉ Pantsir-S1 là đáng nói  ảnh 3

Hệ thống phòng không 9K96 Pantsir-S1

Ngày 22-06-2012, 1 chiếc máy bay trinh sát F-4E của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị một hệ thống Pantsir-S1 của Lữ đoàn 73 - Sư đoàn 26 phòng không của Syria bắn rơi khi xâm nhập qua biên giới, trinh sát trên đất Syria. Đây chính là lần thực chiến đấu tiên và đạt hiệu quả tuyệt vời của hệ thống này. Tuy nhiên, hiện nay trong tay quân chính phủ chỉ có 36 hệ thống Pantsir-S1.

Trong biên chế của quân đội Syria còn có 1 hệ thống phòng không đã khá cũ nhưng rất uy lực là hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka”, được Liên Xô sản xuất đầu thập niên 60. Nó bao gồm 4 khẩu pháo 23mm đặt trên khung gầm xe bánh xích, có tầm bắn khoảng 7km.

Trong chiến tranh Trung Đông lần thứ 3, ZSU-23-4 “Shilka” đã bắn hạ 31 máy bay chiến đấu của không quân Israel. Sự xuất hiện của nó đã khiến Mỹ phải đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lực bảo vệ cho máy bay chiến đấu trong thập niên 60. Còn trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, các phi công liên quân đã được cảnh báo phải hết sức đề phòng ZSU-23-4 “Shilka” của phòng không Iraq.

Hệ thống phòng không tầm gần Syria: Chỉ Pantsir-S1 là đáng nói  ảnh 4

Hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 “Shilka”

Trong cuộc nội chiến Syria, ZSU-23-4 cũng thường xuất chiến. Nó được sử dụng rộng rãi trong các nhiệm vụ chế áp mang tính càn quét các công sự, công trình kiến trúc của phe đối lập. Trong các cuộc chiến trước đó ở Chechnya và Afghanistan, hệ thống này cũng từng đảm nhận các nhiệm vụ tương tự.

Ngoài ra, quân đội Syria còn có một số lượng lớn các hệ thống pháo cao xạ không điều khiển do Liên Xô chế tạo. Phe đối lập đã từng thu được của quân chính phủ 1 hệ thống pháo cao xạ 2 nòng ZPU-23 loại 23mm.Tuy nhiên các hệ thống pháo không điều khiển loại này khó mà có tác dụng đối với các máy bay chiến đấu hiện nay.

Xét về tổng thể, các hệ thống phòng không hiện quân đội Syria đang sử dụng đều do Liên Xô sản xuất. Ngoài một số hệ thống khá mới như Pantsyr-S1, BUK-M2E, S-125 Neva/Pechora 2M, còn lại đều đã cũ, sản xuất theo công nghệ những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Nếu không phát huy được trí tuệ và có chiến thuật hợp lý, người Syria rất khó đứng vững trước các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh.