Hé lộ mới xung quanh vụ ám sát nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 12-10-1984, đúng lúc Thủ tướng Anh Margaret Thatcher chủ trì ngày cuối hội nghị của đảng Bảo thủ tại khách sạn Grand ở Brighton thì một quả bom tại đây phát nổ. “Bà đầm thép” an toàn sau vụ ám sát và thời gian sau, hàng loạt thủ phạm đã bị bắt giữ. Nhưng chỉ đến bây giờ, khi Vương quốc Anh chuẩn bị đánh dấu 10 năm ngày mất của bà Thatcher, một số tình tiết của câu chuyện mới xuất hiện.
Bà Margaret Thatcher rời Bệnh viện Royal Sussex County sau khi thăm các nạn nhân của vụ đánh bom Brighton

Bà Margaret Thatcher rời Bệnh viện Royal Sussex County sau khi thăm các nạn nhân của vụ đánh bom Brighton

Vụ nổ kinh hoàng

Trưa 15-9-1984, một người đàn ông trẻ ăn mặc bảnh bao bước vào khách sạn Grand ở Brighton, hạt Sussex, nước Anh và yêu cầu một phòng hướng biển. Lễ tân đề nghị phòng số 629 ở tầng 6. Vị khách đã trả 180 bảng tiền mặt cho 3 đêm. Trên thẻ đăng ký, anh ta tên là Roy Walsh, quốc tịch Anh, địa chỉ ở đường Braxfield, London. Không ai biết, vị khách này lại là nguồn cơn của một sự kiện chấn động sau đó.

Gần 4 tuần sau, lúc 2h54 ngày 12-10, mục đích của vị khách bại lộ khi quả bom trong phòng 629 phát nổ. Nó phá hủy các phòng liền kề và sức công phá còn thổi bay một phần mái nhà. Một ống khói nặng 5 tấn rơi xuống các phòng bên dưới, đè bẹp tất cả trên đường đi của nó. Đó là âm mưu của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) nhằm ám sát Thủ tướng Margaret Thatcher và quét sạch nội các của bà vào đêm cuối cùng của hội nghị đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, bà Margaret Thatcher đã thoát chết. Khối bê tông sập xuống, trượt qua dãy phòng họp khiến 5 người thiệt mạng và 34 người bị thương. Đây được coi là vụ tấn công táo bạo nhất vào Chính phủ Anh kể từ năm 1605, đồng thời kích hoạt một cuộc săn lùng lớn dẫn đến kết quả 8 tháng sau, kẻ đánh bom Patrick Magee đã sa lưới. Anh ta bị kết án chung thân nhưng còn không ít bí ẩn xung quanh nhân vật này.

Sơ hở lớn không bị phát hiện

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Patrick Magee lại sử dụng tên giả Roy Walsh? Khi đó, Roy Walsh là một thành viên nổi tiếng của IRA. Liệu tên gọi đó có là sơ hở lớn cung cấp cho cảnh sát manh mối dẫn đến việc phát hiện ra quả bom? Trả lời phóng viên của tờ Guardian vào năm 2021, Magee nói rằng, tên giả Roy Walsh không có ý nghĩa sâu xa nào, chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên vào phút cuối. Điều này thật khó tin bởi đây là âm mưu tốn nhiều công sức nhất trong lịch sử của IRA. Họ đã theo dõi bà Thatcher ít nhất từ năm 1981 và Brighton là cơ hội chỉ có 1 lần duy nhất. Kế hoạch đã được lên rất tỉ mỉ.

Trước đó, các đặc tình của IRA đã theo dõi mọi cuộc họp của đảng Bảo thủ và một kỹ sư xây dựng đã kiểm tra kiến trúc của khách sạn Grand. Magee lại là một kẻ đánh bom có kinh nghiệm, nói giọng Anh thuyết phục. Tuy nhiên, sự lựa chọn tên giả Roy Walsh thực sự mạo hiểm bởi đây là nhân vật khét tiếng đối với chính quyền Anh. Walsh đã bị bắt cùng với một nhóm chiến binh của IRA vào năm 1973 sau khi thực hiện 2 vụ đánh bom xe ở London. Đến năm 1984, Walsh đã trải qua 11 năm trong các nhà tù ở Anh. Ông ta lãnh đạo các cuộc biểu tình, thách thức giám thị, đánh nhau, tìm cách trốn thoát, dẫn đến phải vào khu biệt giam.

Cho đến hiện nay, các cựu thành viên IRA vẫn tranh luận liệu Magee có coi vụ ám sát “Bà đầm thép” như một sự kiện nhằm thúc đẩy tên tuổi của Walsh hay không. Cả 2 đều là thành viên của một đơn vị IRA tinh nhuệ chịu trách nhiệm tạo ra chiến tranh qua biển Ireland. Những hoạt động như vậy đã có lịch sử lâu đời, bắt đầu bằng một chiếc xe cút kít chứa chất nổ bên ngoài nhà tù Clerkenwell ở London vào năm 1867, tiếp theo là máy nổ Fenian vào những năm 1880. Cuộc đấu tranh vũ trang của IRA được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngay cả năm 1973, Walsh đã chọn biệt danh Tom Clarke (một nhân vật từng gây ra vụ đánh bom chấn động London thời Nữ hoàng Victoria). Khi sử dụng tên Roy Walsh, Magee có thể ẩn ý ủng hộ những người cùng chí hướng đang đấu tranh nhằm chấm dứt sự cai trị của Anh trên đảo Ireland. Sự lựa chọn này cũng có thể được coi là một sự chế nhạo đối với cảnh sát trong quá trình săn lùng anh ta. Và mặc dù IRA có thể kích nổ quả bom được cài đặt nhiều tuần trước sự kiện quan trọng, nhưng việc khơi gợi sự tò mò về vị khách trùng với tên của một kẻ đánh bom IRA đã bị bỏ tù là một rủi ro không cần thiết.

Michael Hayes - người đã cử Magee đến Brighton sau này thừa nhận: “Vì một lý do kỳ quặc nào đó, Magee đã chọn tên giả giống tên của một trong những kẻ từng đánh bom London. Tôi không bao giờ đồng ý với điều đó. Tôi gọi anh ta là: Gã ngốc”.

Khách sạn Grand ở Brighton bị hư hại nặng sau khi quả bom phát nổ năm 1984

Khách sạn Grand ở Brighton bị hư hại nặng sau khi quả bom phát nổ năm 1984

Bí ẩn chưa có lời giải đáp

Nhưng âm mưu bí mật của IRA đã không hề bị phát biện. Các cơ quan tình báo Anh không biết điều gì sắp xảy ra. Cảnh sát hạt Sussex chỉ khám xét sơ qua khách sạn được chọn tổ chức sự kiện. Nỗi sợ hãi của họ không phải là một quả bom mà là những người thợ mỏ có thể xông vào hội nghị. Hôm đó, nữ Thủ tướng Thatcher đang ở trong căn phòng VIP tại tầng 1, nó nằm dưới phòng 629 đến 5 tầng lầu. Nếu thời khắc quả bom phát nổ mà bà đang ở trong phòng tắm thì gần như chắc chắn bà đã bị sát hại hoặc ít nhất là bị thương nặng. Nhưng may mắn là bà đang ở phòng làm việc. Cảnh tượng những thành viên đảng Bảo thủ người đẫm máu, phủ đầy bụi bước ra khỏi đống đổ nát đã gây chấn động nước Anh và thế giới. Vài giờ sau, bà Thatcher có một bài phát biểu đầy thách thức. Bà nhấn mạnh, hội nghị vẫn tiếp tục. Điều đó khiến ngay cả những người chỉ trích bà cũng phải lên tiếng ca ngợi. Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong sự nghiệp của “Bà đầm thép”.

Trong quá trình điều tra, cảnh sát đã tập trung vào những vị khách từng thuê phòng tại tầng 6. Họ đã tìm đến đường Braxfield nhưng không một ai biết đến cái tên Roy Walsh từng sống ở đây. Cuộc điều tra xoay quanh việc khám phá danh tính vị khách bí ẩn đã thuê phòng 629. Với giả định thủ phạm vụ đánh bom có thể có một số giấy tờ khác cũng sử dụng cái tên này, các thám tử đã rà soát văn phòng hộ chiếu, văn phòng cấp bằng lái xe, sổ đăng ký sinh/tử và hôn nhân… Mặc dù cảnh sát thu được nhiều cái tên Roy Walsh, nhưng dần dần tất cả đều bị loại. Cuộc truy lùng kẻ đánh bom khách sạn Grand đã đến tai Roy Walsh thật - người đang nằm trong nhà tù Wandsworth. Anh ta không biết gì về cuộc tấn công ở Brighton và việc cảnh sát đang săn lùng một kẻ tình nghi mang tên giống mình khiến Walsh bối rối. Còn lực lượng an ninh cũng không khỏi lo lắng, đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một thông điệp nào đó hay một lời đe dọa?

Những sự tình cờ siêu thực

Sở Cảnh sát London cuối cùng đã đối chiếu vân tay trên thẻ đăng ký với bản in trong hồ sơ của họ về Patrick Magee. Vào tháng 6-1985, các thám tử Scotland xông vào một căn hộ ở Glasgow và bắt giữ Magee cùng 4 thành viên IRA khác khi họ đang lên kế hoạch cho các vụ đánh bom chớp nhoáng nước Anh. Patrick Magee bị kết án tù chung thân với khuyến nghị phải thụ án ít nhất 35 năm.

Tháng 11-1985, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher ký thỏa thuận Anh - Ireland, một hiệp ước mang tính bước ngoặt trao cho Dublin một vai trò hạn chế ở Bắc Ireland. Nó đã giúp mở đường cho tiến trình hòa bình mà đỉnh cao là thỏa thuận năm 1998. Theo các điều khoản của thỏa thuận, các tù nhân bán quân sự sẽ được trả tự do. Năm 1999, Magee bước ra khỏi nhà tù sau 14 năm thụ án. Và tình cờ, chính “Bà đầm thép” mà Magee cố sát hại đã giúp anh ta được sớm trả tự do.

Câu chuyện còn có một giai thoại thú vị. Sau khi được tự do, Magee bắt gặp một người với vẻ ngoài nhàu nát trên đường Falls ở Belfast đang bán vé xổ số cho các cựu tù nhân. “Patrick! Roy Walsh đây. Cho tôi 1 bảng”. Đó là một cuộc gặp gỡ siêu thực. Hai người đàn ông không biết nhau nhưng lại nhận ra nhau. Magee đưa 1 bảng Anh và Walsh đưa lại cho anh ta 1 vé xổ số. Walsh đã không hỏi về cái tên giả mà Magee dùng trong vụ đánh bom ở Brighton và Magee cũng không tiện giải thích theo nghi thức hoạt động của IRA. Cho đến nay, Walsh vẫn không biết tại sao Magee lại sử dụng tên của mình cho nhiệm vụ đó.