Con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đứng sau một âm mưu đảo chính?

(ANTĐ) - Lời khai của ông Simon Mann, cựu thành viên lực lượng đặc biệt của không quân Anh (bị bắt hôm 7-3-2004) tại phiên tòa mới khai đình hôm 17-6-2008 đang tiếp tục gây sự chú ý của dư luận bởi nó đề cập tới nhiều nhân vật, cũng như một số quốc gia có liên quan tới âm mưu đảo chính, lật đổ Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.

Con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đứng sau một âm mưu đảo chính?

(ANTĐ) - Lời khai của ông Simon Mann, cựu thành viên lực lượng đặc biệt của không quân Anh (bị bắt hôm 7-3-2004) tại phiên tòa mới khai đình hôm 17-6-2008 đang tiếp tục gây sự chú ý của dư luận bởi nó đề cập tới nhiều nhân vật, cũng như một số quốc gia có liên quan tới âm mưu đảo chính, lật đổ Tổng thống Guinea Xích đạo Teodoro Obiang Nguema Mbasogo.

Mark Thatcher
  Mark Thatcher

Cách đây không lâu, ông Simon Mann từng có bài trả lời phỏng vấn với hãng truyền hình Channel Four News tại nhà tù Black Beach ở Malabo, Thủ đô của Guinea Xích đạo. Theo đó, Simon Mann không những thừa nhận là người đã lên kế hoạch cho vụ đảo chính, mà còn chỉ đích danh người đứng đằng sau âm mưu này, đó chính là doanh nhân người Anh gốc Lebanon và Nigeria Eli Calil (Ely Calill).

Theo ông Simon Mann, tỉ phú Eli Calil đã chi khoảng 2 triệu USD cho âm mưu đảo chính vì muốn độc quyền khai thác dầu tại quốc gia này bởi ông ta từng giàu lên nhanh chóng sau khi khai thác dầu tại Nigeria. Simon Mann cũng khai rằng, tỉ phú Eli Calil đã yêu cầu ông bắn chết Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo để tránh hậu họa.

Về phần mình, kể từ khi bị bắt tại Nam Phi vào năm 2004 đến nay, tên tuổi của Mark Thatcher, con trai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher được dư luận nhắc tới nhiều bởi ông bị coi là một trong những người đứng sau âm mưu đảo chính kể trên. Theo lời khai trước tòa của Simon Mann, Mark Thatcher đã chi khoảng 350.000 USD cho kế hoạch đảo chính. Và “cậu ấm” là một trong 5 thành viên thuộc “nhóm lãnh đạo” do tỉ phú Eli Calil đứng đầu. Theo Simon Mann, nếu cuộc đảo chính thành công, những người kể trên sẽ được độc quyền trong việc khai thác nguồn dầu mỏ tại Guinea Xích đạo, quốc gia có mỏ dầu lớn thứ ba ở châu Phi, sau Nigeria và Angola.

Simon Mann
 Simon Mann

Lời khai của Simon Mann cũng khiến Ngoại trưởng Tây Ban Nha phải phản ứng sau khi ông này cho rằng, Tây Ban Nha đồng ý với âm mưu lật đổ Tổng thống Teodoro Obiang Nguema Mbasogo. Simon Mann cho biết, trong những cuộc tiếp xúc tại Madrid năm 2003 với tỉ phú Eli Calil và ông Severo Moto Nsa, người tự xưng là Tổng thống của chính phủ Guinea Xích đạo lưu vong, cả hai người này đã tiết lộ, Tổng thống Tây Ban Nha khi đó là ông Jose Maria Aznar ủng hộ cuộc đảo chính.

Vì có sự ủng hộ của ông Jose Maria Aznar nên cuộc đảo chính được quyết định diễn ra trước ngày 14-3-2004, thời điểm diễn ra bầu cử tại Tây Ban Nha vì “nhóm 5 người” và ông Severo Moto Nsa lo ngại sẽ có thay đổi sau cuộc bầu cử này. Bộ trưởng Nội vụ Zimbabwe Kembo Mohadi cũng từng nhấn mạnh, cuộc đảo chính nhận được sự trợ giúp khá đắc lực của cơ quan tình báo MI-6 (Anh), CIA (Mỹ) và Tây Ban Nha.

Xuất phát từ những động thái trên, luật sư của ông Simon Mann đang kêu gọi tòa giảm mức án 32 năm tù bởi thân chủ chỉ là “phương tiện”, chứ không phải chủ mưu trong âm mưu đảo chính. Hơn nữa, Simon Mann đã phải chấp hành bản án 4 năm tù tại Zimbabwe.

Sau những lời khai của Simon Mann, tương lai của ông Mark Thatcher sẽ gặp khó khăn cho dù “cậu ấm” đã phủ nhận những cáo buộc kể trên, đồng thời khẳng định không có liên quan tới vụ đảo chính ở Guinea Xích đạo. Công tố viên Jose Olo Obono đang kiến nghị để cơ quan chức năng dẫn độ ông Mark Thatcher. Được biết, sau khi âm mưu đảo chính thất bại, Mark Thatcher từng đứng trước bản án 15 năm tù cùng lệnh truy nã quốc tế mà Chính phủ Guinea Xích đạo đưa ra. Để được tại ngoại, ông Mark Thatcher đã phải đóng khá nhiều tiền bảo lãnh, thậm chí bà đầm thép Margaret Thatcher tuy đã ngoài bát tuần nhưng vẫn chạy đôn chạy đáo để lo cho “cậu ấm”.

Theo điều tra của cảnh sát Nam Phi, Simon Mann và Mark Thatcher từng hợp tác làm ăn từ năm 1995 trong nhiều lĩnh vực như khai thác khoáng sản, vận tải hàng không, nhiên liệu... Ngoài Simon Mann, người ta còn nhắc tới Simon Witherspoon, người đứng đầu lực lượng đánh thuê và Nick du Toit, một kẻ cơ hội chính trị. Nick du Toit thừa nhận, hắn muốn đưa ông Severo Moto Nsa lên nắm quyền ở Guinea Xích đạo.

Trước đây 11 năm, ông Severo Moto Nsa từng tiến hành một cuộc đảo chính, nhưng bất thành nên đã phải trốn đến cư trú tại Tây Ban Nha. Còn Simon Witherspoon từng là cựu nhân viên của Bộ Quốc phòng Nam Phi, là lính đánh thuê nổi tiếng bởi đã từng hoạt động ở nhiều quốc gia châu Phi.

Ngay sau khi âm mưu đảo chính bị bại lộ, ông Mark Thatcher đã bị cảnh sát Nam Phi (thuộc lực lượng đặc nhiệm Bọ Cạp) bắt tại tư dinh ở ngoại ô Constanstia, Cape Town, Nam Phi. Mark Thatcher từng bị cáo buộc hưởng hoa hồng - 23,5 triệu USD trong năm 1986 khi mẹ còn là Thủ tướng. Khi đó hợp đồng bán vũ khí của Công ty British Aerospace cho Saudi Arabia trị giá nhiều tỉ USD đã được ký sau khi có sự can thiệp của Mark Thatcher. Giới chuyên môn cho rằng, để thắng kiện, số tiền thuê luật sư cùng các chi phí khác sẽ lên tới hàng triệu USD.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)