“Hãy cứu các giáo sư khỏi tham nhũng”

ANTĐ - Nhan đề bài xã luận đó trên Trung Hoa nhật báo đã gióng hồi chuông  cảnh báo về tình trạng lạm dụng công quỹ nghiên cứu khoa học đáng ngại của giới khoa học Trung Quốc. Bê bối chấn động nhất gần đây là vụ bắt giữ 7 nhà khoa học hàng đầu nước này bị cáo buộc biển thủ hơn 25 triệu NDT (4 triệu USD) tiền nghiên cứu khoa học.

“Hãy cứu các giáo sư khỏi tham nhũng” ảnh 1Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã bất chấp tất cả để làm liều

Tư lợi cả triệu đô

Bài báo cho biết, những thông tin chấn động này chính thức được đưa ra sau một cuộc điều tra của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc bắt đầu từ năm 2012. Theo cuộc điều tra, các dự án do 7 nhà khoa học trên đứng đầu đã nhận được số tiền tài trợ khổng lồ 8 tỷ USD một năm. 5 dự án được nêu trong báo cáo gồm: Công nghệ biến đổi gene; Khắc phục tình trạng nguồn nước ô nhiễm ở Thái Hồ - một hồ nước ngọt lớn ở gần Thượng Hải; Phát hiện ma túy; Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và Phát triển các thiết bị điện tử.

Theo báo cáo, trong số 7 nhà khoa học đang bị giam giữ đã có 2 nhà khoa học nhận tội hồi đầu năm 2014. Đó là Trần Anh Húc - nguyên Phó chủ tịch Đại học Chiết Giang và Tống Mậu Cường - kỹ sư điện tử tại Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh. Theo Tân Hoa xã, Trần Anh Húc - người đứng đầu dự án khắc phục hậu quả của ô nhiễm nước và Tống Mậu Cường - người đứng đầu dự án phát triển các thiết bị điện tử tiên tiến, đã bị tuyên án tù 10 năm vì tội tham nhũng. Trần Anh Húc biển thủ 1,5 triệu USD, còn Tống Mậu Cường dùng 111 nghìn USD vào mục đích cá nhân.

Trong 7 nhà khoa học bị bắt giữ này, nhân vật đáng chú ý nhất là Giáo sư Lý Ninh của trường ĐH Nông nghiệp quốc gia, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật quốc gia. Vị giáo sư kiêm nhà khoa học 52 tuổi này đã có 18 công trình nghiên cứu xuất sắc về kỹ thuật nhân bản và các lĩnh vực khác thuộc ngành nông nghiệp của Trung Quốc. Theo quy định, nếu bị tuyên có tội, ông này sẽ bị tước danh hiệu Viện sĩ cao quý. 

Một bài viết trên Tân Hoa xã ngày 12-10 bình luận, trường hợp Viện sĩ trẻ nhất học viện danh tiếng này “dính chàm” chỉ là phần nổi của tảng băng trôi tham nhũng khổng lồ trong giới khoa học ở Trung Quốc. “Nhiều người đặt câu hỏi tại sao các nhà khoa học Trung Quốc không thể đoạt giải Nobel? Tham nhũng là câu trả lời”. Được biết, Trung Quốc đứng thứ hai về số lượng đề tài được công bố trên các tạp chí khoa học vào năm 2012, nhưng không có nhà khoa học Trung Quốc nào giành được giải thưởng Nobel về khoa học trong hơn một thế kỷ qua.

 Không vượt qua được cám dỗ

Để không chỉ thu lại hiệu quả trước mắt mà còn đón đầu tương lai, Chính phủ Trung Quốc đã chi 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 1,97% GDP cho các công trình nghiên cứu và phát triển trong năm 2012 và tỷ lệ này đã tăng 2% vào năm 2013. Song có lẽ vì cám dỗ của lợi ích vật chất và sự quản lý không chặt chẽ của cơ quan chủ quản, nhiều nhà khoa học nước này đã bất chấp tất cả để làm liều. Một báo cáo của Cơ quan Kiểm toán Quốc gia vào tháng 10-2013 cho thấy, có đến một nửa các quỹ nghiên cứu đã bị lạm dụng.

Ông Vương Quyền - Phó Chủ tịch điều hành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Trung Quốc thuộc Bộ Khoa học Công nghệ nước này cho biết, hệ thống quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí khoa học, công nghệ Nhà nước còn tồn tại nhiều bất cập. Đơn cử như hệ thống quản lý nguồn ngân quỹ này vẫn theo phương thức truyền thống, lợi dụng lỗ hổng khi làm hồ sơ thanh toán đệ trình cơ quan chủ quản, nhiều nhà khoa học trả trước chi phí nhưng khai khống hàng loạt hạng mục không có trong công trình hoặc nâng giá nguyên vật liệu phục vụ cho các hạng mục khoa học lên hàng chục lần nhằm tư lợi. 

Bên cạnh đó, chính những vị giáo sư đứng đầu trong các công trình nghiên cứu trọng điểm tầm cỡ quốc gia nên họ có quyền ưu tiên tiếp cận, sử dụng và phân bổ nguồn tiền nhận từ chính phủ. Tuy nhiên, các vị này không sử dụng hết số ngân quỹ trên để nghiên cứu khoa học mà lạm dụng vào việc riêng, thậm chí có trường hợp một giáo sư sử dụng tiền quỹ nghiên cứu mua nhà cho tình nhân.

Tờ Southern Metropolis Daily cũng ra ngày 12-10 có đoạn viết: Bất cứ khi nào một nhà nghiên cứu được vinh danh, họ sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Những đặc quyền đó đôi khi lại chính là chất độc làm hỏng họ, trường hợp Viện sỹ trẻ tuổi Lý Ninh chính là cảnh báo cho tất cả các học giả nổi tiếng.