Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea

ANTĐ - Kế hoạch xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea thuộc đảo Hawaii, của các trường đại học ở Carlifornia và Canada vừa được Ủy ban đất đai và tài nguyên Hòa Kỳ phê duyệt…
Quyết định này đã mở đường cho nhóm tham gia dự án “Kính thiên văn 30m” (Thirty Meter Telescope project) đi đến thương lượng về vấn đề đất đai với trường đại học Hawaii, bởi vì trường đại học này cũng có các giao kèo về đất đai ở đỉnh Mauna Kea với bang Hawaii.

Kính thiên văn khổng lồ này sẽ được dùng để quan sát các hành tinh quay theo quỹ đạo của các vì sao chứ không phải quỹ đạo của mặt trời, và cho phép các nhà thiên văn học có thể quan sát được các hành tinh và chòm sao mới được hình thành. Ngoài ra, kính thiên văn này còn có thể cho các nhà khoa học có một cái nhìn thoáng qua về thời kì đầu tiên của vĩ trụ bởi vì nó có khả năng nhìn thấy các vật cách chúng ta 13 tỉ năm ánh sáng.

Kính thiên văn này dài gần 30,5m, các vùng xem được qua ống kinh của nó nhiều gấp 9 lần so với các kính viễn vọng quang học lớn nhất hiện có, và hình ảnh sắc nét gấp 3 lần. Kinh phí dự đoán cho công trình này lên đến 1 tỉ đô la Mỹ.

Hiện kế hoạch xây dựng kính viễn vọng ở Hawaii đang vấp phải một số vấn đề với người dân bản địa ở đây. Theo những người dân bản địa ở Hawaii, đỉnh núi lửa Mauna Kea là nơi thiêng liêng và là cánh cổng dẫn lên thiên đường. Trước kia chỉ có những tộc trưởng và linh mục mới có thể được đứng trên đỉnh này. Họ cho rằng việc xây dựng kính thiên văn trên đỉnh núi sẽ làm mất đi tính thiêng liêng nơi đây. Bên cạnh đó, các nhà môi trường cũng đang phản đối và yêu cầu dừng dự án này lại bởi vì nó có thể làm hại đến những sinh vật nơi đây ví dụ như loài bọ Wēkiu quý hiểm.

Mặc dù vậy, dự án này cũng đã được Ủy ban đất đai và tài nguyên phê duyệt, với 24 điều kiện bao gồm cả việc yêu cầu các công nhân phải được huấn luyện về văn hóa và yêu cầu về các nguồn tài nguyên.

Hệ thống các trường đại học ở California, Viện khoa học Canada, liên hiệp các trường đại học chuyên nghiên cứu về thiên văn học ở Canada, và các đối tác gồm các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đang xúc tiến công trình 1 tỉ USD này.

Vị trí tách biệt của đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương đồng nghĩa với việc khu vực này tương đối không có ô nhiễm về không khí. Thêm vào đó, có rất ít thành phố ở đây nên việc quan sát không bị ảnh hưởng bởi các đèn chiếu sáng. Núi lửa không hoạt động Mauna Kea có đỉnh nằm hoàn toàn trên các tầng mây, chính vì vậy mà các nhà thiên văn học có thể thấy quang cảnh bầu trời một cách rõ ràng trong suốt 300 ngày một năm. Hiện đỉnh núi lửa này đã có khoảng 12 kính thiên văn.

Tuy vậy, danh hiệu kính viễn vọng lớn nhất thế giới có thể không được kéo dài bao lâu bởi vì một nhóm các nước châu Âu cũng đang có kế hoạch xây dựng một kính viễn vọng đại khổng lổ ước tính dài 42m.  Một số hình ảnh về kính thiên văn khổng lồ ở Hawaii:
Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea ảnh 1
Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea ảnh 2

Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea ảnh 3

Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea ảnh 4

Hawaii sắp có kính thiên văn lớn nhất thế giới trên đỉnh núi lửa Mauna Kea ảnh 5
Kính viễn vọng khổng lồ trị giá tới 1 tỷ USD