Hành động mạnh mẽ để ngăn chặn tham vọng phi pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trung Quốc đang ngày càng leo lên những nấc thang mới trong toan tính quân sự hóa Biển Đông khi ráo riết biến các thực thể mà họ dùng vũ lực cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép ở vùng biển chiến lược trọng yếu thành các tiền đồn, căn cứ quân sự quy mô lớn.

• Trung Quốc leo lên nấc thang mới quân sự hóa Biển Đông

Mối đe dọa nguy hiểm từ các căn cứ quân sự phi pháp ở Biển Đông

Hãng thông tấn AP dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) John Aquilino cho rằng, Trung Quốc có thể đã xây xong cơ sở quân sự trên ba thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bị họ chiếm đóng trái phép. Ba thực thể này gồm Đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập.

Phát biểu trên được Đô đốc John Aquilino đưa ra khi đang ngồi trên chiếc máy bay trinh sát P-8A Poseidon để tuần tra Biển Đông vào ngày 20-3. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, hoạt động xây dựng kho tên lửa, nhà chứa máy bay chiến đấu, hệ thống radar và các cơ sở quân sự khác của Trung Quốc trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập dường như đã hoàn tất.

Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép (Ảnh chụp từ trên không ngày 20-3)

Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm và chiếm đóng trái phép (Ảnh chụp từ trên không ngày 20-3)

Theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, việc hoàn tất xây dựng các cơ sở quân sự trên ba thực thể giúp mở rộng khả năng tấn công của Trung Quốc ra ngoài bờ biển của họ. Từ các tiền đồn quân sự này, Trung Quốc có thể cho máy bay tiêm kích và máy bay ném bom xuất kích, cộng thêm khả năng tấn công bằng tên lửa.

Người đứng đầu quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho rằng, máy bay chiến đấu và tên lửa đồn trú trên đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập là “mối đe dọa hiện hữu và lý do khiến mọi người quan tâm tới hoạt động quân sự hóa các thực thể này”. Đô đốc John Aquilino cảnh báo: “Chúng đe dọa tất cả quốc gia hoạt động trong vùng lân cận, cũng như toàn bộ vùng biển và vùng trời quốc tế”.

Trước đó, giới quân sự cũng như dư luận đã từng nhiều lần thông tin, cảnh báo về việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa các thực thể mà họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Song đây là lần đầu tiên mới giới chức quân sự Mỹ, nhất là đích thân Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lên tiếng về việc Trung Quốc đã gần như hoàn tất việc quân sự hóa tại các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông thời gian qua.

Sau khi cưỡng chiếm một số bãi đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc từ năm 2014 đến nay đã ồ ạt bồi đắp trái phép, biến các thực thể này thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích trên 13km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã bồi đắp, mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm: Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Vành Khăn trong tổng số 7 thực thể do nước này chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo.

Trong đó, Trung Quốc đã bồi đắp trái phép đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; và có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào. Giới quân sự quốc tế qua phân tích những hình ảnh chụp từ vệ tinh đã khẳng định có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không nổi trên đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.

Các chuyên gia của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc đã triển khai đến các đảo nổi nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Trường Sa hệ thống tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B hiện đại nhất của nước này, có khả năng tấn công các tàu ở khoảng cách 550 km. “Cặp bài trùng” với YJ-12B là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B có tầm bắn lên đến 300 km.

Ngăn chặn tham vọng phi pháp độc chiếm Biển Đông

Hiện cộng đồng quốc tế, nhất là các nước khu vực, đều đã nhìn thấu toan tính của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 cũng như các bãi đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 rồi bồi đắp thành các đảo nổi nhân tạo cỡ lớn. Trung Quốc đã bất chấp chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc tế Luật Biển năm 1982 (Công ước UNCLOS 1982), để chiếm đóng bằng được các đảo và thực thể trên nhằm toan tính thực hiện “mục tiêu kép” sâu xa.

Trước hết, Trung Quốc muốn dựa vào các đảo và thực thể mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng trên Biển Đông nhằm đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường 9 đoạn”) công bố năm 2019 mà theo đó đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Thế nhưng, yêu sách đòi chủ quyền đơn phương và phi lý đã hoàn toàn bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc theo yêu sách “đường lưỡi bò”.

Toan tính sâu xa khác của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực cưỡng chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hòng biến đây thành các căn cứ quân sự để khống chế Biển Đông, tạo bàn đạp cho việc áp đặt chủ quyền vốn đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là nguyên nhân mà Trung Quốc thời gian qua đã đổ không biết bao nhiều tiền của, ráo riết xây dựng để biến chúng thành những căn cứ quân sự lớn trên Biển Đông.

Ý đồ quân sự hóa các đảo thuộc quần đảo và các đảo nổi nhân tạo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép đã quá rõ là Bắc Kinh muốn biến chúng thành các căn cứ quân sự hòng phục vụ cho toan tính độc chiếm Biển Đông. Thế nhưng, toan tính và tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là một chuyện, thực tế lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Về pháp lý, tại phán quyết đưa ra ngày 12-7-2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc. Căn cứ theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), PCA khẳng định, không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát độc quyền trên vùng biển hay tài nguyên (trong “đường lưỡi bò”) như họ tuyên bố để đòi quyền lịch sử. PCA cũng khẳng định, “các thực thể” ở Biển Đông hiện nằm dưới sự kiểm soát phi pháp của Trung Quốc không thể giúp nước này thành lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Trên thực tế, cộng đồng quốc tế cùng với việc vạch trần toan tính nguy hiểm của Trung Quốc, đã thúc đẩy các nỗ lực hợp tác, hành động chung nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, trong đó Mỹ và các đồng minh cùng đối tác cam kết đảm bảo và hỗ trợ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Nhiều quốc gia đã đưa tàu chiến qua Biển Đông và tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự tại đây trong các sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như duy trì hòa bình, an ninh và ổn định.

Có thể thấy rất rõ, cộng đồng quốc tế đã và đang hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tham vọng phi pháp hòng độc chiếm Biển Đông.